Thủ phủ quýt hồng điêu đứng vì dịch bệnh

Thống kê mới đây của Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho thấy, tại xã Long Hậu nơi trồng quýt hồng lâu năm nhất trong huyện, hiện tỷ lệ nhiễm bệnh làm thiệt hại lên đến 70%; còn ở xã Tân Phước, diện tích quýt hồng thiệt hại dao động khá cao 50% - 60%; các xã khác dịch bệnh xuất hiện tràn lan khiến nhiều vườn cây bị vàng lá và chết dần. 
Nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) khốn đốn vì cây có múi bị dịch bệnh
Nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) khốn đốn vì cây có múi bị dịch bệnh

Nhiều năm nay, huyện Lai Vung được mệnh danh thủ phủ quýt hồng của tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL. Đây là loại trái cây đặc sản, có màu sắc đẹp, ăn ngon và đặc biệt là thu hoạch ngay dịp Tết Nguyên đán hàng năm nên được người tiêu dùng khắp nơi rất ưa chuộng. Dù quýt hồng Lai Vung mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng gần đây hàng loạt nhà vườn lao đao bởi tình trạng cây chết tràn lan gây thiệt hại lớn.

Vụ quýt tết trầm lắng 

Nếu như mọi năm, càng gần đến Tết Kỷ Hợi thì nông dân các xã Tân Phước, Tân Thành, Long Hậu và Vĩnh Thới tất bật chăm sóc quýt hồng để cung ứng cho thị trường tết, bởi quýt hồng trái càng to, màu da đẹp, sẽ bán được giá cao. Tuy nhiên, hiện nay không khí sản xuất vụ quýt tết có phần trầm lắng, do dịch bệnh hoành hành khiến nhiều hộ mất ăn mất ngủ. 

Ông Tống Văn Liệt, ngụ xã Tân Thành, than thở: “Vụ quýt tết năm nay nhiều hộ gần như không có để bán, nguyên nhân do tình trạng chết vàng, chết xanh làm cho nhiều vườn bị giảm sản lượng trầm trọng. Có những vườn thời gian đầu cây phát triển rất tốt, nhưng đến khi cho trái thì xuất hiện bệnh vàng lá rải rác, dù nông dân phun xịt nhiều loại thuốc nhưng cây vẫn không khỏi mà trái lại bệnh càng nặng thêm. Do cây bị nhiễm bệnh nên trái teo tóp, khô héo dần, sau đó rụng hàng loạt…”. 

Cùng nỗi lo trên, ông Trần Văn Cường, ngụ xã Vĩnh Thới, bộc bạch: “So với nhiều loại cây ăn trái khác, quýt hồng khó trồng nhất và tốn chi phí đầu tư cao nhất. Vì vậy, nông dân trồng quýt hồng ở Lai Vung không ngừng học hỏi kỹ thuật nhằm sản xuất quýt hồng đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng vấn đề nan giải hiện nay là dịch bệnh bùng phát tràn lan làm cây quýt chết la liệt. Thực tế đã có nhiều nông dân chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm các chuyên gia nông nghiệp tư vấn phương pháp phòng trị, nhưng đến nay mọi việc vẫn rất khó dù nhà vườn tốn kém tiền triệu…”. 

Ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX quýt hồng Lai Vung, thừa nhận: “Sản lượng quýt hồng Tết 2019 chắc chắn sẽ giảm, song đều đáng lo hơn là rất nhiều vườn bị nhiễm bệnh. Theo đó, một số cây bị chết rải rác, một số khác tuy còn sống nhưng chất lượng không như mong muốn. Việc này cần có giải pháp khắc phục nhanh chóng nhằm ổn định diện tích quýt hồng, tránh nguy cơ bị giảm dần”. 

Thống kê mới đây của Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho thấy, tại xã Long Hậu nơi trồng quýt hồng lâu năm nhất trong huyện, hiện tỷ lệ nhiễm bệnh làm thiệt hại lên đến 70%; còn ở xã Tân Phước, diện tích quýt hồng thiệt hại dao động khá cao 50% - 60%; các xã khác dịch bệnh xuất hiện tràn lan khiến nhiều vườn cây bị vàng lá và chết dần. 

Khẩn trương phòng trị

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.056ha cây có múi, trong đó huyện Lai Vung là 5.215ha (chiếm 65% diện tích); năm 2017, bệnh vàng lá không giảm nhưng đáng lo nhất là từ đầu năm 2018 đến nay bệnh làm chết cây tràn lan khiến nhiều nông dân khốn đốn”. 

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung Huỳnh Văn Tồn cho hay: Hiện tượng chết vàng, chết xanh trên cây có múi lan rộng hơn 2.069ha, chiếm gần 36% tổng diện tích cây có múi ở huyện. Cụ thể, quýt hồng bị nhiễm bệnh gần 338/839ha (chiếm hơn 40%), trong đó khoảng 238ha thiệt hại 20% - 40%, số còn lại thiệt hại 50% - 100%; quýt đường có 920/2.701ha bị bệnh (chiếm 34%); cam các loại có 812/2.236ha bị bệnh (chiếm hơn 36%)… 

Trước tình hình dịch bệnh tấn công cây có múi, UBND huyện Lai Vung đã phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam… khảo sát quy trình canh tác, nghiên cứu tìm nguyên nhân và tác động giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế chết cây. Kết quả bước đầu cho thấy, hiện tượng chết vàng, chết xanh trên cây có múi do hư hại bộ rễ bởi các tác nhân vi sinh vật đất (nguyên nhân trực tiếp) và kỹ thuật canh tác không phù hợp (nguyên nhân gián tiếp) dẫn đến nước, các chất dinh dưỡng từ đất không được vận chuyển lên cây đầy đủ, kịp thời làm cây kém phát triển, còi cọc, suy yếu dần rồi chết đi. 

Các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ lưu ý thêm, nhà vườn sử dụng nhiều phân đạm, bón phân và thuốc hóa học chưa đúng cách, kích thích sinh trưởng với mục đích cho cây phát triển nhanh, ra trái nhiều… khiến cây bị bệnh. Ngoài ra, nhiều nông dân dùng đất ruộng để bồi gốc cho cây quýt hồng quá dày, không đúng kỹ thuật dễ phát sinh mầm bệnh. TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng: “Một trong những nguyên nhân cần quan tâm là một số hộ sử dụng giống quá lâu năm qua bầu chiết từ cây mẹ không đảm bảo nên dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, tình trạng cây giống bán tràn lan nhưng khó kiểm soát chất lượng cũng là nguy cơ lây bệnh trên quýt hồng và các loại cây có múi khác”. 

Trước những nguy cơ trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp dập dịch hiệu quả không để lây lan. Song song đó, tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán canh tác, tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm cải thiện đất, nâng pH cho đất, thiết kế mô trồng cao ráo thoát nước tốt; xử lý tận gốc các cây bị nhiễm bệnh tránh lây lan… 

Tin cùng chuyên mục