Thu nhập 400 triệu đồng/năm từ lan

Những năm gần đây, trồng hoa lan, cây kiểng đang trở thành nghề mang lại giá trị kinh tế cao trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, có không ít người từ khởi điểm ban đầu chỉ là tình yêu, sự đam mê đối với hoa lan, nhưng sau một thời gian đã từ nhu cầu giải trí chuyển sang “bén duyên” với nghề trồng lan.
Một trong số đó là chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ảnh, 45 tuổi, chủ vườn lan Hoàng Lực tại số C6/10B đường Nguyễn Văn Thời, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh). 
Chị Hạnh kể trước kia từng làm kế toán cho một công ty Đài Loan ở quận 5 với thu nhập ổn định, nhưng vì đam mê hoa lan nên sau khi sinh con, chị quyết định nghỉ làm và bắt tay vào việc trồng lan từ năm 2012, trên mảnh vườn 3.000m2 của gia đình ở huyện Bình Chánh.
“Để thuận lợi cho việc trồng lan, tôi đã đi học rất nhiều nơi và đạt nhiều chứng chỉ nghề, như tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông TPHCM tổ chức, học từ các nghệ nhân nổi tiếng và đi tham quan nhiều mô hình trồng lan hiệu quả để chọn lọc cái hay, cái tốt về áp dụng cho vườn của mình. Ban đầu, tôi chỉ trồng khoảng 5.000 cây dendrobium, 6.000 cây mokara để thử nghiệm và thật may mắn, tôi đã thành công ngay sau mấy tháng trồng. Tôi trồng lan chỉ để thỏa đam mê chứ có tính đến hiệu quả kinh tế đâu, nhưng tôi rất bất ngờ với kết quả đạt được nên đã duy trì và phát triển đến nay”, chị Hạnh chia sẻ. 
Thu nhập 400 triệu đồng/năm từ lan ảnh 1
Khách đến vườn sẽ thấy chị Hạnh chăm chút lan một cách cẩn thận, thiết kế vườn rất ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, những cây lan tươi tốt và lúc nào cũng khoe bông cho thấy chủ nhân có tay nghề cao.
Hiện vườn của chị có khoảng 25.000 chậu lan dendrobium và  trên 10.000 cây lan mokara. Giá thành cho một chậu lan dendrobium (gồm giống, chậu, giá thể, phân bón và công) là khoảng 12.000 đồng, giá bán hiện 28.000 - 35.000 đồng/chậu, lợi nhuận đạt gần 20.000 đồng/chậu.
Lan mokara cắt cành thì giá bán khoảng 5.000 đồng/cành. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn lan của chị cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Chị Hạnh cho biết: “Tết vừa rồi, gom hết lan vườn nhà cộng thêm lan mua từ các vườn vệ tinh vẫn không đủ hàng để xuất, có nhiêu hết nhiêu, tiêu thụ được khoảng vài chục ngàn chậu với giá 40.000 - 45.000 đồng/chậu”.
Không dừng lại đó, nhận thấy mua giống từ các công ty trung gian giá khá mắc, đầu năm 2017, chị Hạnh quyết định làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lực.
Sau khi thành lập doanh nghiệp, chị Hạnh qua Thái Lan nhập giống về để sản xuất. Theo chị, giá giống trước đây mua từ thương lái cao hơn 25% so với tự mua ở Thái Lan.
Ngoài ra, khi tự nhập giống, chị còn có thể chủ động tìm được nguồn giống tốt, chất lượng cao, cây trồng mau lớn và màu sắc đẹp hơn rất nhiều.
Đến nay, ngoài nhập giống về trồng, chị còn cung cấp giống cho những hộ trồng lan tại huyện Bình Chánh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Doanh nghiệp của chị mỗi lần nhập khoảng 200.000 cây con giống dendrobium và một ít giống lan mokara (vì lan mokara có thể tự để giống lại lần sau).
Khi bán cây giống, chị cũng tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc và cách bón phân, thuốc bảo vệ thực vật như cách mình làm và sẵn sàng thu mua lại sản phẩm khi có yêu cầu. 
Chị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng lan không khó, chỉ cần nắm bắt được đặc tính kỹ thuật, nhưng để thành công thì phải có đam mê, phải tìm nguồn cung cấp giống uy tín. Hiện cái khó của người trồng lan, nhất là lan dendrobium ở Bình Chánh, là bệnh ruồi đục nụ bông. Chúng tôi đã dùng nhiều thuốc đặc trị có trên thị trường nhưng bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần, làm năng suất và chất lượng hoa lan giảm. Chúng tôi mong được các cấp ngành chuyên môn hỗ trợ nghiên cứu thuốc trị dứt điểm bệnh này để bà con an tâm phát triển nghề”.

Tin cùng chuyên mục