“Thủ lĩnh” nông dân xây dựng nông thôn mới

Trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở các địa phương, đã xuất hiện không ít gương điển hình “thủ lĩnh” nhà nông. Không chỉ làm giàu cho chính bản thân, gia đình mình, họ còn hỗ trợ vốn và chia sẻ kinh nghiệm để bà con xung quanh từng bước có thu nhập ổn định, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Đổi thường xuyên giúp đỡ người dân khó khăn trong ấp đảo Thiềng Liềng
Ông Nguyễn Văn Đổi thường xuyên giúp đỡ người dân khó khăn trong ấp đảo Thiềng Liềng

Trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất

Mỗi lần nhìn về phía đường đê bao chạy quanh ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) bảo vệ hơn 200 hộ dân trong ấp, ông Nguyễn Văn Đổi, 60 tuổi, không khỏi xúc động. Có được con đường bê tông chắc chắn, cao ráo này, ngoài ngân sách nhà nước còn nhờ có hàng chục ngàn mét vuông đất do người dân hiến tặng, trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Đổi hiến hơn 13.000m2 đất.

Ông Đổi không sinh ra ở ấp Thiềng Liềng nhưng lớn lên ở vùng đất này. Gia đình ông có mặt ở đây rất sớm, từ thời còn chưa lập ấp. Bởi vậy mà từng thay đổi nhỏ ở Thiềng Liềng, ông đều chứng kiến trọn vẹn. Theo ông Đổi, trước đây, người dân ấp đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt. Cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Khoảng năm 1975, gia đình ông bắt đầu làm muối. “Đấy là hạt muối đầu tiên được làm ra ở huyện Cần Giờ khi đó”, ông Đổi tự hào nói. Rồi gia đình ông truyền nghề cho những hộ dân khác trong ấp.

Hơn nửa đời người gắn bó với hạt muối, ông mày mò tìm nhiều cách để sản lượng muối cao hơn. Trong một lần đi tham quan, học tập cách làm kinh tế ở địa phương khác, ông mạnh dạn vét hết tiền bạc dành dụm của gia đình đầu tư làm muối theo phương pháp mới và đào đầm nuôi tôm. Áp dụng những phương pháp mới ấy, ông đã gặp không ít thất bại mới đúc kết được kinh nghiệm, để rồi năm 2013, ông mạnh dạn thu gọn diện tích làm muối để nuôi thêm tôm. Từ đó, kinh tế gia đình ông khấm khá hơn.

Ông Đổi cũng năng nổ tham gia vào các hoạt động xã hội, ông hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của ấp đảo, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của xã Thạnh An. Khi dư dả, ông Đổi lại nghĩ đến bà con trong ấp, hỗ trợ họ thoát nghèo. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Văn Trông đã vươn lên thoát nghèo và từng bước ổn định kinh tế nhờ 40 triệu đồng tiền vốn do gia đình ông Đổi hỗ trợ. Từ nguồn vốn ấy, ông Trông có điều kiện đầu tư, sản xuất muối theo hướng dẫn của ông Đổi. Đến nay, ông Đổi đã hỗ trợ hơn 20 gia đình vay vốn không lãi suất (từ 20-60 triệu đồng/hộ) cùng hàng chục buổi hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm làm muối, nuôi tôm.

Nông nghiệp gắn bảo vệ môi trường

Từ các thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Xén, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Lợi (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) nghĩ đến việc thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, mô hình nuôi heo đệm lót sinh học (hỗn hợp gồm mạt cưa, trấu, có tác dụng xử lý chất thải tránh để lại mùi hôi) được đánh giá hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, ông Xén mày mò tìm hiểu rồi áp dụng.

Khi có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật mới, ông Xén nhiệt tình phổ biến lại cho các hội viên, vận động hội viên thực hiện để vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp tăng năng suất chăn nuôi. Đến nay, ông đã vận động 11 hộ nuôi heo trong ấp áp dụng mô hình nuôi heo trên. Ông cũng đề xuất cấp trên hỗ trợ heo giống, cám để động viên các hộ dân áp dụng mô hình chăn nuôi mới.

Thời gian trước, ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) có những hộ trồng rau dùng hóa chất để phun tưới, làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Kiều Công Điền, Chi hội Phó Chi hội 1, Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa bền bỉ vận động hội viên, nông dân tham gia các chương trình đào tạo kỹ thuật trồng rau sạch. Từ đó, nhiều hộ dân đã hạn chế phun tưới bằng thuốc, chuyển sang trồng rau hữu cơ.

Ở địa phương, ông Điền còn được biết đến là người “mát tay” hỗ trợ hội viên chuyển đổi nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Ông Điền cho biết, diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi ở phường ngày càng thu hẹp, nhiều người dân không có việc làm. Vì vậy, gần đây, ông tích cực đi “gõ cửa” từng cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn để kết nối, tìm kiếm các công việc như gia công quần áo, ba lô, túi xách…về cho người dân. Nhờ đó, hàng chục hộ dân đã chuyển đổi nghề thành công, giúp giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động tại chỗ.

Điều đáng quý ở ông Nguyễn Văn Đổi không chỉ là sự chịu thương chịu khó, nhiệt thành mà ở ông còn là sự hào sảng, không tính toán hơn thiệt với người xung quanh. Khi được hỏi cho những gia đình khó khăn mượn vốn, có sợ họ không trả? Ông Đổi nói nhẹ tênh: “Tui cho bà con mượn, chừng nào bà con có thì trả chứ không quy định thời gian, cũng không suy nghĩ, tính toán gì. Được cái bà con có dư chút là đem trả lại tui liền, số tiền ấy tôi lại gom vào, dành để hỗ trợ gia đình khác”.

Tin cùng chuyên mục