Thu hút FDI để hai bên cùng thắng

Có hiệu lực từ năm 1988, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - một trong những đạo luật đầu tiên của thời kỳ đổi mới, suốt 30 năm qua đã tạo điều kiện cho không ít dự án quy mô lớn được triển khai suôn sẻ, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng cũng có những hệ lụy từ các dự án chỉ nằm trên giấy, hoặc tệ hơn nữa là dang dở sau nhiều năm triển khai.

Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thực ít, “ảo” nhiều

Theo số liệu cập nhật từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là năm thu hút đầu tư nước ngoài khá thành công. Chỉ riêng tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đã có 24 dự án được trao giấy chứng nhận, tăng vốn đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn trên 11 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lên tới trên 1 tỷ USD, như: dự án Nhà máy Điện khí LNG với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD; cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai với tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD; dự án đầu tư, xây dựng, công viên phần mềm và cảng cạn ICD tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Số dự án trăm triệu USD cũng không ít:  dự án Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile về mở rộng đầu tư, xây dựng, nâng cấp và phát triển hạ tầng viễn thông mạng 4G, 5G với tổng vốn đầu tư tăng thêm 800 triệu USD; dự án sản xuất điện gió với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD tại Đắk Lắk…

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo lắng: “Từ giấy phép đến thực tế có nhanh không?”. Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, giải tỏa  những băn khoăn về việc các cam kết đầu tư vào Hậu Giang còn chưa nhiều, Thủ tướng cũng phát biểu: “Ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít”. Không quá khó tìm những ví dụ đáng buồn kiểu nói nhiều, làm chẳng bao nhiêu (thậm chí không làm), như tại Nghệ An có một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư từ rất lâu - dự án Thép Kobelco, đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Rồi dự án Saigon Atlantis Hotel, vốn đăng ký 4,1 tỷ USD; dự án Hóa dầu Long Sơn 4,5 tỷ USD; dự án Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya 2 tỷ USD; dự án Khu đô thị đại học quốc tế 3,5 tỷ USD… đều là những ví dụ đáng buồn. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để hạn chế vốn FDI ảo, nhất là nhà đầu tư “ôm đất”, thì phải đánh thuế lũy tiến. Qua kiểm tra, nhà đầu tư 3 năm không làm gì với dự án thì phải đánh thuế tăng 3-4 lần.

Biết thế mạnh để thu hút FDI

Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nên: “Việt Nam đang thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, song một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng, liệu việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thật sự tốt cho nền kinh tế hay không”. Dẫn lời một nhà lập pháp về mối quan ngại trong trường hợp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những doanh nghiệp FDI - đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu - rút đầu tư, Chủ tịch AmCham nói: “Tất cả chúng ta (cả Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài - PV) đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty rời khỏi Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần thấy được sự tiến bộ liên tục và hữu hình trong môi trường kinh doanh… Các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát; khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định, có thể dự đoán được”.

Dự thảo Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo, ngoài việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang khá hiệu quả, các địa phương cần phải đa dạng hóa nguồn vốn FDI, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ. Điều này không chỉ làm giảm rủi ro phụ thuộc mà còn giúp tận dụng vị thế của Việt Nam khi đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, trong đó có FTA với EU (EVFTA), mang đến cơ hội tiếp cận các thị trường quan trọng của nhiều cường quốc kinh tế trên thế giới. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhìn nhận: doanh nghiệp FDI đến Việt Nam không phải để làm từ thiện, mà để kinh doanh. Chúng ta phải biết thế mạnh của mình, biết cách đàm phán và cùng hợp tác với họ trên cơ sở “hai bên cùng thắng”, chứ không phải trông chờ vào họ.

Tin cùng chuyên mục