Thu hồi giấy phép doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng việc cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình

Ngày 12-10, Bộ TT-TT tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó có chỉ rõ sẽ giao cho cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, thu hồi giấy phép các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng việc sử dụng, cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, Nghị định 71/2022/NĐ-CP là nghị định rất quan trọng, đặc biệt là tạo mặt bằng pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

"Khi Nghị định bắt đầu đi vào cuộc sống, báo chí sẽ cùng giám sát việc thực hiện và việc thực hiện phải có kết quả thật. Đó là đưa tất cả các doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ về một mặt bằng như nhau, tránh bảo hộ ngược, tránh việc “không quản lý” các dịch vụ xuyên biên giới, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Thu hồi giấy phép doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng việc cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình ảnh 1 Họp báo cung cấp thông tin về Nghị định 71/2022/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
Cũng tại buổi họp báo, liên quan việc các kênh mạng xã hội như Youtube có đăng tải nội dung về tin tức - việc này có vi phạm pháp luật, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các nội dung tin tức chỉ được các cơ quan báo chí đăng tải, nếu các cơ quan khác không có thẩm quyền vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử năm 2018, tại Việt Nam, dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet (OTT TV VOD) bắt đầu phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động truyền hình.

Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp đến loại dịch vụ này, Bộ TT-TT đã đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 6/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo đó, Nghị định 71/2022/NĐ-CP có một số nội dung nổi bật như: bổ sung chính sách quản lý, trong đó chỉ rõ đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ và trực tiếp cung cấp nội dung phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ...

Nghị định này cũng bổ sung quy định cho phép dịch vụ OTT TV được cung cấp đến người Việt Nam mà không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống, tại Điểm c Khoản 2 Điều 12. 

Trong nghị định cũng đưa ra quy định về quản lý biên tập VOD thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ OTT TV VOD, phân nhóm nội dung để có các quy định biên tập phù hợp, tại Khoản 1 Điều 20a.

Cụ thể, với nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội sẽ do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.

Nhóm phim quy định, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VH-TT-DL quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng.

Với nhóm chương trình thể thao, giải trí, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT-TT và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nghị định này điều chỉnh quy định về quản lý biên dịch cụ thể như doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động biên dịch. Biên dịch VOD nước ngoài, kênh nước ngoài phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam, nội dung biên dịch phải được biên tập, phân loại theo đúng quy định, tại Khoản 2 Điều 19 và Khoản 2 Điều 20a.

Nghị định 71/2022/NĐ-CP cũng bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình trong hoạt động liên kết sản xuất chương trình tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều 16, giao cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn nội dung truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập theo quy định tại Khoản 3 Điều 20a.

Cụ thể, ông Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nêu rõ: đối tượng của nghị định là các doanh nghiệp được thành lập theo luật Việt Nam và phải được cấp phép. Khi doanh nghiệp có giấy phép mà vi phạm quy định thì đầu tiên sẽ xử lý hành chính. Xử lý hành chính được áp dụng trong trường hợp các vi phạm ảnh hưởng tới xã hội không ở mức độ cao.

Trường hợp ở mức độ cao, Bộ TT-TT sẽ phát lệnh cho các nhà mạng ngăn chặn ngay nội dung vi phạm, gây ảnh hưởng sau đó mới xử lý thậm chí có thể sẽ thu hồi giấy phép...

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, sẽ đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý.

Tin cùng chuyên mục