Thu hẹp trường chuyên, thu học phí cao hơn

Trong các ngày từ 9 đến 11-7, Báo SGGP đã khởi đăng loạt bài “Để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài”. Cho đến thời điểm này, dù còn nhiều ý kiến tranh luận, song đều gặp nhau ở một điểm: Mô hình trường chuyên cần phải được đánh giá, tổng kết và có sự cải tổ cần thiết để đáp ứng nhu cầu mới của đất nước. Báo SGGP ghi nhận ý kiến về vấn đề này từ Bộ GD-ĐT và một số chuyên gia giáo dục.

* Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT):

Sẽ đánh giá sự phát triển hệ thống trường chuyên

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 (đề án 959). Đào tạo ở trường chuyên là dựa trên nền giáo dục đại trà tốt, sau đó mới phát triển giáo dục “mũi nhọn” để các em học sinh phát triển tài năng của mình. Khó có thể xã hội hóa trường chuyên vì đây là mô hình Nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng, hỗ trợ những nhóm học sinh tài năng yếu thế, để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Các nước đều thực hiện như vậy. Bộ GD-ĐT đang trong quá trình nghiên cứu giải pháp liên thông giữa các trường THPT chuyên với các trường đại học vì tỷ lệ học sinh chuyên đỗ vào hệ đào tạo chất lượng cao tại các trường đại học rất cao.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tổng kết sau 10 năm thực hiện đề án 959 để xác định đề án đã đạt được, còn gì bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Sau khi tổng kết, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng đi cho hệ thống trường chuyên. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhóm khảo sát bài bản để đánh giá sự phát triển hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua.

* Thầy LÊ VĂN VINH, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa:

Chỉ nên có 6 môn chuyên

Chúng ta đang thảo luận có nên bỏ trường chuyên không? 33 năm dạy trường chuyên, tôi cho rằng, đã đến lúc nên thay đổi mô hình trường chuyên cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Theo tôi, quy mô trường chuyên chỉ nên có 6 môn chuyên là Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Văn. Mỗi khối 6 lớp, vậy mỗi trường sẽ có 18 lớp chuyên. Mỗi lớp học tối đa chỉ 30 học sinh.

Bên cạnh đó, có thể có các lớp chuyên xã hội hóa gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tiếng Anh. Tùy theo địa phương và nhu cầu có thể mở 1 hoặc 2 lớp hoặc các môn ngoại ngữ khác. Các lớp chuyên xã hội hóa này được thu học phí cao tương ứng với chất lượng giáo dục để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa giảm áp lực từ ngân sách nhà nước. Thực tế, hiện nay các trường chuyên cũng đang tồn tại mô hình lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao.

* Cô PHẠM THỊ NGÂN, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam):

Nên thu học phí trường chuyên cao hơn

Trường chuyên là nơi phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Thực tế cũng cho thấy, phần lớn học sinh trường chuyên đã chọn được con đường đi phù hợp với năng lực bản thân và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trường chuyên nếu chỉ quản lý theo kiểu hành chính, chạy theo thành tích thì mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước sẽ không thực hiện được. Phải xây dựng trường chuyên thành một môi trường sư phạm mẫu mực, đầy hứng khởi, giúp cả thầy và trò đều bộc lộ, phát huy được hết khả năng của mình.

Thu hẹp trường chuyên, thu học phí cao hơn ảnh 1 Hệ thống thư viện Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) được kết nối 
mạng Internet để phục vụ việc học tập và tra cứu thông tin của học sinh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hiện tại, trường chuyên đã được tự chủ xây dựng nội dung chương trình học, nhưng Bộ GD-ĐT cần cho trường chuyên cơ chế tự chủ về tài chính, có thể bằng cách thu học phí. Nghĩa là, phần ngân sách cấp sẽ dành cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp học bổng cao để các học sinh nghèo vẫn có cơ hội được học tập trong trường chuyên. Còn học phí sẽ bù cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách. Học sinh trường chuyên được hưởng một điều kiện học tập tốt thì việc đóng học phí cao hơn cũng là công bằng với tất cả học sinh phổ thông nói chung. Nhiều gia đình sẵn sàng đóng học phí để con em có năng lực được học tập trong trường chuyên.

* Thầy NGUYỄN VĂN HÒA, người sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội:

Trường chuyên ở tỉnh chỉ nên là trường chất lượng cao

Trước đây, hệ thống trường chuyên ra đời với mong muốn đào tạo thế hệ trẻ tài năng, trở thành nhân tài đất nước, mục tiêu đó đúng. Chúng ta đã có hệ chuyên đào tạo rất tốt ở các trường đại học quốc gia, trường sư phạm, nhưng sau này tỉnh nào cũng có trường chuyên, môn nào cũng chuyên.

Hiện nay, mỗi tỉnh có một trường chuyên với vài ngàn học sinh. Không thể có nhiều nhân tài như vậy. Nếu trường chuyên là nơi đào tạo nhân tài thực sự thì chỉ nên tập trung ở một số đại học lớn, có cơ sở vật chất lớn, có đội ngũ giảng viên giỏi, đủ tầm để dạy những học sinh có tố chất đặc biệt. Nên cải tổ lại hệ thống trường chuyên hiện nay, cả về phạm vi, phương pháp và mục tiêu đào tạo.

Về phạm vi thì trường chuyên chỉ cần hẹp, tập trung cho các trường chuyên ở đại học, không mở rộng để đảm bảo chất lượng. Vẫn có thể duy trì môn chuyên xã hội nhưng không nhất thiết trường nào cũng phải có đầy đủ các môn chuyên. Những trường chuyên tỉnh có chất lượng thì giữ, còn không thì chỉ nên là trường chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục