Thu gom pin cũ, xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường

Để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, mỗi hành động dù nhỏ cũng là cần thiết để tạo nên hiệu quả lớn. Trong đó có việc thu gom và xử lý pin cũ, sạc dự phòng hỏng đúng cách được triển khai và hưởng ứng rộng rãi.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Trâm, trường Tiểu học Tây Hồ bỏ pin vào ngôi nhà được treo trước hàng rào của trường
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Trâm, trường Tiểu học Tây Hồ bỏ pin vào ngôi nhà được treo trước hàng rào của trường

Cứ hai tuần một lần, nhóm bạn trẻ ở Đoàn phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) lại cùng đi thu gom pin đã qua sử dụng tại các điểm lắp đặt mô hình “ngôi nhà của pin” để giao cho các điểm thu gom tái chế pin cũ trên địa bàn. Nhờ sáng kiến này, thời gian qua đã thu hút nhiều người dân hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường.

Nhóm đoàn viên thanh niên phường Phước Ninh thu gom pin từ những ngôi nhà đã treo trước đó
Từ tháng 2-2020, xuất phát từ hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, Đoàn phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã triển khai mô hình “Ngôi nhà của pin”. Ngôi nhà được thiết kế bằng chất liệu aluminium vừa bền chắc, vừa chịu được nắng mưa, có cổng sập vừa đủ cho một viên pin cỡ lớn nhất, hoặc cục sạc dự phòng đi qua. Ban đầu, nhà pin chỉ được lắp trước cổng UBND phường sau đó, ý tưởng tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng nên đoàn phường quyết định nhân rộng và lắp đặt tại khu dân cư đông đúc để đáp ứng nhu cầu vứt bỏ pin của người dân.

Theo anh Nguyễn Công Anh, Phó Bí thư Đoàn phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), do ý thức phân loại pin và rác thải của người dân chưa cao, bên cạnh đó, đối với những người có ý thức thì họ lại chưa biết bỏ pin vào đâu vì vậy đoàn phường nghĩ ra mô hình "Ngôi nhà của pin".

"Ngôi nhà của pin" được làm với kích thước vừa phải để chứa pin đã qua sử dụng
“Đoàn phường chỉ làm kích thước vừa phải để chứa pin đã qua sử dụng. Vì nếu làm lớn, những điểm đặt mô hình rất dễ trở thành điểm tập kết rác. Như vậy, mô hình không những không phát huy được hiệu quả mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường”, anh Công Anh chia sẻ.
"Ngôi nhà của pin" được thiết kế thành hình những ngôi nhà xinh xắn làm từ những tấm nhôm, keo, ốc vít,… xung quanh được dán giấy decal có in các hình ảnh, thông điệp nhắc nhở người dân về tác hại của pin. Bên ngoài được dán thông điệp tuyên truyền “1 cục pin thải ra ngoài môi trường, 500 lít nước bị ô nhiễm thủy ngân”. Dưới nền “ngôi nhà” được thiết kế dạng ngăn kéo để khi thu hoạch pin không phải chạm tay trực tiếp vào pin, chỉ việc đưa dụng cụ vào hứng pin rơi xuống.
Nhóm đoàn viên cắt dán, thiết kế và lắp đặt "Ngôi nhà của pin" trước khi đưa vào sử dụng

Bà Nguyễn Thị Bích Trâm, giáo viên trường Tiểu học Tây Hồ (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) thấy rằng sáng kiến này khá hay, rất thuận tiện cũng như là bảo vệ môi trường.

“Nếu không sử dụng pin nữa thì mình có thể mang ra đây, rất là tiện lợi, sẵn đây chúng tôi có thể giáo dục được các em về tạo ý thức, thói quen bảo vệ môi trường”, cô Bích Trâm cho biết.

Tay xách một túi giấy chứa đầy những viên pin, trên đường đi chợ sáng, bà Nguyễn Thị Nhơn (SN 1957, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ghé bỏ vào “Ngôi nhà của pin” thay vì vứt vào thùng rác như trước đây.

“Đồ chơi của cháu tôi cái nào cũng dùng pin. Trước đây, mỗi lần thay pin tôi lại phân vân không biết nên để chỗ nào hợp lý. Để trong nhà cũng lo trẻ con chơi nghịch, nuốt phải mà mang đi vứt thùng rác không an toàn cho môi trường”, bà Nguyễn Thị Nhơn chia sẻ.

Theo ông Phạm Văn Bảo (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhà của ông cách nơi đặt mô hình chỉ vài bước chân nên việc bỏ pin đúng chỗ khá là thuận tiện.

“Hầu như là mọi người dân trong khu phố đều có sử dụng pin trong gia đình. Nhu cầu sử dụng pin khá cao nên có thể lập ra càng nhiều "Ngôi nhà của pin" càng tốt, người dân không phải tốn một quãng đường xa để đi bỏ pin”, ông Phạm Văn Bảo chia sẻ.

"Ngôi nhà của pin" góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở cộng đồng khu dân cư

Nhiều người dân ở phường Phước Ninh từ mấy tháng nay có thêm một thói quen mới, đó là đem pin đến bỏ ở “Ngôi nhà của pin”. Hiện đoàn phường đã lắp đặt hơn chục mô hình và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai ở các tuyến phố trung tâm của phường. Mô hình sẽ được ưu tiên đặt ở các tuyến đường ngang, tuyến đường nhỏ... để người dân có thể dễ dàng tìm được điểm tập kết pin cũ, đồng thời, lan tỏa thông điệp này rộng hơn trong cộng đồng.

Một “Ngôi nhà của pin” có thể phục vụ khoảng 60 hộ dân, nên cứ giãn cách theo từng cung đường mà hiện nay phường Phước Ninh đã có gần chục “Ngôi nhà của pin”. Đây là mô hình duy nhất tại Đà Nẵng được đoàn phường nơi đây thực hiện, góp phần bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục