Thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè sau 8 năm thi công

Sáng 7-1, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (BDACTGT) chính thức đưa công trình xây dựng cầu Phước Lộc, nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiển, huyện Nhà Bè vào phục vụ người dân. 
Thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG
Thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Đến dự và cắt băng khánh thành có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình; lãnh đạo huyện Nhà Bè và các sở ngành cùng đông đảo bà con trong khu vực.

Thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè sau 8 năm thi công ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cùng các đại biểu cắt băng khánh thành. Ảnh: CAO THĂNG
Tại công trình cầu, Giám đốc BDACTGT TP Lương Minh Phúc cho biết, đây là công trình trọng điểm của TPHCM, giúp việc đi lại, giao thương của người dân phía Tây huyện Nhà Bè thuận lợi hơn. Cây cầu mới còn giúp phát triển giao thông trục Đông-Tây, kết nối đường Lê Văn Lương, đường Nguyễn Hữu Thọ, từ Nhà Bè đi quận 8, Bình Chánh vào trung tâm thành phố thuận tiện hơn…
Thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè sau 8 năm thi công ảnh 2 Mặt cầu đúng chuẩn hai làn xe. Ảnh QUỐC HÙNG
Cầu Phước Lộc bắc qua rạch Cây Khô nối xã Phước Kiển với Phước Lộc, huyện Nhà Bè đã hoàn thành sau 8 năm thi công. Cầu Phước Lộc nằm trên đường Đào Sư Tích, dài 386m với 13 nhịp bê tông cốt thép, mặt cắt ngang 10,5m, gồm 2 làn xe hỗn hợp cùng lề bộ hành và hệ thống lan can bảo vệ; đường dẫn hai đầu cầu dài 323m. Dự án có tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 230 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng là 119 tỷ đồng, cùng với chi phí khác.
Thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè sau 8 năm thi công ảnh 3 Thông xe cầu Phước Lộc. Ảnh: CAO THĂNG
Theo BDACTGT TP, dự án được khởi công tháng 6-2012, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thay cầu cũ bằng sắt rộng hơn 2m đã xuống cấp, do xây từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, đến tháng 7-2013, dự án phải dừng do vướng mặt bằng. Năm 2019, huyện Nhà Bè đẩy nhanh việc bồi thường và đến tháng 6 mới đây bàn giao toàn bộ. Sau khi tiếp nhận mặt bằng, chủ đầu tư quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án với mục tiêu đưa cầu vào phục vụ bà con trong khu vực trước Tết Nguyên đán 2021.
Sau gần một năm thi công, cầu Phước Lộc hoàn thiện cơ bản. Trước ngày thông xe, hệ thống chiếu sáng, lan can, thoát nước, chỉ dẫn giao thông... đã được lắp đặt đầy đủ. Cầu Phước Lộc mới hoàn thành giúp nâng cao tĩnh không thuyền lên khoảng 6m so với 1,5m của cây cầu cũ cạnh đó.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh: Dự án xây dựng cầu Phước Lộc mới với kết cấu bê tông cốt thép thay thế cầu sắt cũ đã xuống cấp từ nhiều năm nay là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP, có ý nghĩa rất quan trọng cả về giao thông đường bộ, lẫn giao thông đường thủy nội địa.
Về giao thông đường bộ, cầu Phước Lộc mới góp phần hình thành tuyến kết nối trực tiếp liên quận, huyện, từ các trục đường hướng tâm của đường Lê Văn Lương, trục Bắc - Nam qua đường Đào Sư Tích kết hợp cầu Cây Khô trong tương lai nối vào đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh giúp việc đi lại của người dân thuận lợi, an toàn.
Về giao thông đường thủy, cầu Phước Lộc mới có tĩnh không thông thuyền được nâng cao giúp khai thông và nâng cao năng lực vận tải của một trong những tuyến đường thủy quan trọng của TP, tuyến rạch ông Lớn 2, sông Phước Kiểng, rạch Mương Chuối phát huy thế mạnh giao thông vận tải đường thủy nội địa, góp phần giảm tải hiệu quả cho đường bộ. Bên cạnh đó, công trình góp phần chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Nhà Bè nói riêng và cả TP nói chung.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công trình, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình yêu cầu Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Nhà Bè, Ban BDACTGT TP tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình giao thông tại khu vực như dự án xây dựng cầu Long Kiểng, cầu rạch Đĩa, cầu rạch Tôm, cầu rạch Dơi trên tuyến đường Lê Văn Lương kết nối tỉnh Long An; cầu cây Khô kết nối huyện Nhà Bè với huyện Bình Chánh nhằm sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam TP; phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tin cùng chuyên mục