Thông tin tình hình dịch bệnh ngày 24-7 và các biện pháp triển khai phòng, chống dịch

Sáng 24-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, tính từ 19 giờ ngày 23-7 đến 6 giờ ngày 24-7, TP ghi nhận thêm 2.070 trường hợp mắc mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 24-7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có hơn 52.500 trường hợp mắc Covid-19.

Lực lượng quân đội phun thuốc khử khuẩn trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng quân đội phun thuốc khử khuẩn trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hiện đang điều trị 36.569 bệnh nhân (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO, số ca tử vong cộng dồn là 441. Trong ngày 22-7, có 2.046 bệnh nhân xuất viện.

Chiều 23-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc phát sinh; đồng thời thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22-7-2021 của Thành ủy TPHCM, UBND TP xác định phương hướng sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1-8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Ngày 23-7, ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận vừa ký Quyết định về việc áp dụng thiết lập cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 đối với toàn phường 21 với 20.126 nhân khẩu. Theo quyết định này, 4 khu phố, 72 tổ dân phố với diện tích 39,9ha, gồm 20.126 nhân khẩu thuộc phường 21 sẽ được cách ly y tế, phong tỏa tạm thời để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0 giờ ngày 24-7 đến khi có thông báo mới.

Ngày 23-7, Bộ tư lệnh TPHCM phối hợp với Lữ đoàn 87 (Binh chủng Hóa học), Tiểu đoàn Phòng hóa 38 (Quân khu 7) bắt đầu phun khử khuẩn quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn TPHCM trong thời gian 7 ngày. Các lực lượng tiến hành phun tiêu độc, khử khuẩn trên diện rộng với tổng diện tích hơn 300ha, chiều dài tổng tuyến đường gần 1.000km với hơn 500 lượt xe và gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Sau lễ xuất quân, lực lượng di chuyển đến TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh, những khu vực có ca nhiễm nhiều nhất thành phố, để phun khử khuẩn.

Sở Y tế TP vừa có văn bản gửi các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm y tế, phòng y tế TP Thủ Đức, quận huyện về việc hướng dẫn thực hiện xét nghiệm với từng nhóm đối tượng nguy cơ. Văn bản nêu rõ, đối với trường hợp F1 trong cộng đồng, không áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR đối với từng mẫu đơn để sàng lọc. Thay vào đó, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc, nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính thì thực hiện xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR. Với trường hợp F1 cách ly tập trung, đến ngày thứ 7 có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì đủ điều kiện chuyển về tiếp tục cách ly tại nhà.

Chiều 23-7, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết TP đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 09 của HĐND TP; hơn 281.000 người lao động tự do (đạt 100%) đã nhận hỗ trợ với số tiền hơn 422 tỷ đồng, mỗi người nhận 1,5 triệu đồng.

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn, đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ, điều lực lượng nhân viên y tế của các bệnh viện trung ương, bộ ngành đóng trên địa bàn TPHCM tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM. Cụ thể là 1.000 bác sĩ (gồm 100 bác sĩ chuyên về hồi sức, 900 bác sĩ khám và điều trị); 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên (bao gồm 300 điều dưỡng chuyên về hồi sức, 3.600 điều dưỡng, 100 kỹ thuật viên).

Tin cùng chuyên mục