Thông qua nội quy kỳ họp Quốc hội: Không quy định trình tự xử lý “thông tin xấu, độc”

Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với 466 ĐB tán thành, chiếm 93,57% tổng số ĐBQH. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2023, thay thế Nghị quyết số 102/2015/QH13.

 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu: 7 phút, giải trình: 10 phút

Nội quy nêu rõ: “ĐBQH có thể đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cung cấp thông tin, tài liệu khác liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội” và không quy định trình tự xử lý “thông tin xấu, độc” mà ĐBQH nhận được trong kỳ họp, vì không có đặc thù cần quy định trình tự xử lý riêng.

Báo cáo với Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến đề nghị bổ sung quy định về việc cung cấp tài liệu tham khảo cho ĐBQH, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định tại khoản 6 vì nội hàm của “thông tin xấu, độc” không rõ nghĩa, khó thực hiện. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo nội quy nêu rõ: “ĐBQH có thể đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cung cấp thông tin, tài liệu khác liên quan đến nội dung kỳ họp Quốc hội” và không quy định trình tự xử lý “thông tin xấu, độc” mà ĐBQH nhận được trong kỳ họp, vì không có đặc thù cần quy định trình tự xử lý riêng. Vấn đề này (nếu có) sẽ được xử lý như đối với thông tin xấu, độc nói chung.

Thông qua nội quy kỳ họp Quốc hội: Không quy định trình tự xử lý “thông tin xấu, độc” ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 7 phút của ĐB là ngắn; không nên giới hạn thời gian phát biểu của ĐB; khi kéo dài phiên họp, nếu còn thời gian thì ĐB có quyền phát biểu lần hai. Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của ĐB. Có ý kiến đề nghị quy định thời gian tranh luận là không quá 2 phút; tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau; đề nghị giao Chủ tọa phiên họp xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của ĐB là kế thừa quy định của nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho ĐB chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ các nội dung này như dự thảo (thời gian phát biểu 7 phút).

Bên cạnh đó, dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội cũng không quy định giới hạn phát biểu lần 2 trong thời gian kéo dài phiên họp nên ĐB có thể thực hiện quyền của mình nếu còn thời gian. Về thời gian giải trình, UBTVQH nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp, để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho ĐB thảo luận, tranh luận.

Bên cạnh đó, dự thảo nội quy kỳ họp đã bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Nghị quyết kỳ họp Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật phải thực hiện đúng quy trình

Về trình tự xây dựng, ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội (điều 57 của dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội), có ý kiến đề nghị xác định rõ nghị quyết kỳ họp Quốc hội là văn bản cá biệt hay văn bản quy phạm pháp luật. Nếu là văn bản quy phạm pháp luật thì phải tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung đề xuất và nội dung cần thẩm tra tại điều 57. Ý kiến khác đề nghị rà soát để quy định đầy đủ, chặt chẽ các chủ thể có quyền đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội…

UBTVQH cho biết, thực tiễn hoạt động của Quốc hội từ nhiệm kỳ khóa XIV đến nay cho thấy, việc xây dựng, ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội như hiện nay là phù hợp, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động của Quốc hội trong việc xử lý các vấn đề đột xuất, cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Đối với nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội mà có chứa quy phạm pháp luật đều được thực hiện thủ tục trình, thẩm tra, thảo luận, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Để bảo đảm chặt chẽ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điều 57 đã được chỉnh lý theo hướng: nội dung được các cơ quan, tổ chức đề xuất đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội phải được trình Quốc hội (dưới hình thức tờ trình, báo cáo...), được thẩm tra theo quy định hoặc có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc UBTVQH về nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng thời được Quốc hội thảo luận và UBTVQH giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Tin cùng chuyên mục