Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng: Giữ ổn định lãi suất, tiền tệ ​

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo nhất quán của Chính phủ là phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để điều hành tỷ giá, tiền tệ đúng hướng, phối hợp chặt chẽ kiểm soát mục tiêu lạm phát dưới 4%, như Quốc hội thông qua.

Trên cơ sở này, điều tiết lượng tiền gửi kho bạc giữ ổn định lãi suất, tiền tệ, tính toán liều lượng phát hành trái phiếu phù hợp, để không gây áp lực lên thị trường tiền tệ.

Chiều 29-10, phát biểu giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn..., Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, yêu cầu là phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành cả trong điều hành giá, chính sách tiền tệ, quản lý vốn đầu tư công... Nhờ đó, hiệu quả trong điều hành các chính sách, trong đó có chính sách giá và tiền tệ tương đối tốt.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá "đồng bộ, nhịp nhàng", góp phần giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp. Đơn cử, năm 2016, lạm phát cơ bản bình quân 1,83%, giảm về 1,74% năm 2017 và 9 tháng 2018 còn 1,41%. Điều này tạo dư địa để các bộ, ngành điều hành giá các mặt hàng trên thị trường.

Nhu cầu phát hành trái phiếu lớn nên gia tăng kỳ hạn phát hành dài hơn, lãi suất các kỳ hạn giảm, góp phần đóng góp vào nợ công ổn định. Tỷ giá cũng được điều hành ổn định, đạt được nhiều mục tiêu, nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, thị trường ngoại hối thông suốt, qua đó giảm được áp lực trả nợ nước ngoài, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước những lo lắng của các ĐBQH về "nợ Chính phủ tăng nhanh và tỷ giá sẽ gây áp lực lên lạm phát năm 2019", Thống đốc Lê Minh Hưng nhắc lại khẳng định của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình tại phiên thảo luận ngày 27-10, đó là Chính phủ sẽ không phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu.

Theo Thống đốc, chính sách ngoại hối vừa qua đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối thông suốt đã giúp giảm áp lực trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng trao đổi chặt chẽ, điều tiết lượng tiền từ Kho bạc Nhà nước, đảm bảo ổn định thanh khoản, lãi suất và không gây sức ép lên lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát chặt tín dụng "chảy" vào thị trường chứng khoán, giữ ổn định vốn rót vào thị trường này, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Liên quan tới phát hành trái phiếu Chính phủ, theo lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ, việc phát hành từ năm 2016 đến nay được giữ ổn định, trong đó kỳ hạn và thời gian phát hành tăng, lãi suất phát hành giảm: năm 2018 trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm 2,83 điểm phần trăm; kỳ hạn 10 năm giảm 2,1%; 15 năm là 2,8% và 30 năm là 2,6%... Trái phiếu Chính phủ vừa gia tăng kỳ hạn phát hành, nhưng lãi suất kỳ hạn giảm, đã góp vào bền vững nợ công, ngân sách.

Về chính sách điều hành tiền tệ giai đoạn tới, Thống đốc cho hay, thời gian tới đây sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo nhất quán của Chính phủ là phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để điều hành tỷ giá, tiền tệ đúng hướng, phối hợp chặt chẽ kiểm soát mục tiêu lạm phát dưới 4%, như Quốc hội thông qua. Trên cơ sở này, điều tiết lượng tiền gửi kho bạc giữ ổn định lãi suất, tiền tệ, tính toán liều lượng phát hành trái phiếu phù hợp, để không gây áp lực lên thị trường tiền tệ.

Với nhu cầu tăng vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, xem xét bố trí vốn theo quy định pháp luật để các ngân hàng  tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính.

Tin cùng chuyên mục