Thời trang Việt tìm cách vượt khó

Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần lớn các thương hiệu thời trang Việt đều thừa nhận gặp nhiều khó khăn. Tồn tại, phát triển như thế nào trong và sau dịch là câu chuyện được các thương hiệu tính toán, cân nhắc.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và các nghệ nhân thực hiện những sản phẩm áo dài
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và các nghệ nhân thực hiện những sản phẩm áo dài

Khủng hoảng

“Khi xảy ra dịch bệnh, các mặt hàng của tôi bị ảnh hưởng vì nhu cầu khách hàng cắt ngay lập tức. Từ tết tới giờ không bán được cái áo dài nào hết” - nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng không ngần ngại cho biết tình trạng thật tại xưởng áo dài của mình. Trong thời gian dịch bệnh, một số thương hiệu thời trang may mắn còn buôn bán online nhưng không phải thương hiệu nào cũng được như vậy. Nhiều NTK như Lê Thanh Hòa, Đỗ Long, Adrian Anh Tuấn... hoãn các show thời trang dự định tổ chức trong tháng 4. Với NTK Thuận Việt, từ sau tết, nhiều đơn hàng của anh bị hủy, nhiều thiết kế đã đặt hàng trong và ngoài nước nhưng gặp khó khăn khi triển khai. 

NTK Tom Trandt cho biết, thời gian qua, thương hiệu thời trang Môi Điên của anh cũng gặp khó: “Tình hình dịch bệnh khiến cửa hàng phải tạm thời đóng cửa trong 22 ngày, các xưởng sản xuất rơi vào tình trạng đóng băng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Tom Trandt vẫn cho ra mắt sản phẩm mới để thu hút khách hàng bằng các sản phẩm cổ điển, có câu chuyện đặc biệt phía sau. Các sản phẩm nổi bật được giới thiệu trong mùa dịch là Áo sáng trưa chiều tối hợp tác với một họa sĩ để cho ra các chi tiết đặc trưng và bộ sưu tập No, Thanks! thân thiện với môi trường.

NTK Hoàng Minh Hà cho rằng, không thể phủ nhận sự khủng hoảng nặng nề mà dịch bệnh gây ra với ngành thời trang. Anh chia sẻ: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thời trang thế giới và Việt Nam. Những tuần lễ thời trang Paris, London, Milan, Thượng Hải bị ảnh hưởng nặng nề. Dịch bệnh làm thời trang như đóng băng khi tất cả các hoạt động, sự kiện và những ngành nghề giải trí phải dừng lại. Giới mộ điệu thời trang luôn khao khát được mặc đẹp mỗi ngày tìm cách tạo cho mình những hoạt động để khơi gợi cảm xúc thời trang. Cho dù muốn hay không thì những cố gắng ấy chỉ như làn gió nhẹ chưa đủ thỏa mãn được cơn khát và cũng chưa thể làm sống lại nhịp thở thời trang như những giai đoạn hoàng kim nhất”.

Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online

Mỗi nhãn hàng đều chuẩn bị một kế hoạch riêng để bứt phá sau dịch và mẫu số chung là làm sao khôi phục nhanh nhất. Xét theo tình hình hiện tại và dự đoán, ngành thời trang sẽ hồi phục lâu hơn so với các ngành khác. Nói như NTK Hoàng Minh Hà: “Theo tâm lý chung sẽ phải ổn định kinh tế thì mới ưu ái cho việc làm đẹp. Thời trang sẽ phải có một chuyến hành trình tìm kiếm những giá trị mới phù hợp với người tiêu dùng. Thời trang phải cân đo đong đếm giữa giá trị thương hiệu và giá trị tiền tệ trong thời kỳ hậu dịch bệnh. Để chuẩn bị cho sự khôi phục, các thương hiệu đặt ra tầm nhìn xu hướng, tìm cách sản xuất hàng hóa…”. 

Theo NTK Sĩ Hoàng, anh và đội ngũ nhân viên dành thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch cho một số thay đổi, tối ưu hóa mô hình kinh doanh… để thích nghi với “thời cuộc mới”. Theo anh, sắp tới sẽ có hai xu hướng: một là người ta sẽ sống tiết kiệm, tối giản; hai là với những người có điều kiện sẽ hưởng thụ. Do đó, anh bật mí dự kiến thực hiện song song hai dòng sản phẩm áo dài: dòng phổ cập tiện dụng mặc thoải mái, không cần ủi, bỏ máy giặt được… và một dòng cực kỳ cao cấp. “Với dòng áo dài phổ cập sẽ có giá thành phải chăng (dưới 1 triệu đồng) có thể nói là “hàng hiệu giá chợ”.

Từ chiếc áo dài mấy chục triệu chuyển sang thực hiện áo dài bình dân, dễ mua dễ mặc là cả một sự tính toán để phù hợp với giai đoạn mới. Trong lịch sử phát triển của áo dài, mỗi thời kỳ, giai đoạn có sự biến đổi về chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật cắt may. Đây là cơ hội để sáng tạo, nhưng vẫn giữ nguyên chất áo dài. Ngoài ra, trước đây chúng tôi chỉ làm album giới thiệu bộ sưu tập, giờ phải làm video kỹ lưỡng cho khách xem trên Facebook, Zalo, Viber”, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ. 

NTK Tom Trandt cho hay, hôm nay 15-5 sẽ cho ra mắt bộ sưu tập mới đầu tiên của năm 2020. Đây là một trong những bộ sưu tập được đầu tư tỉ mỉ với khoảng 15 look hình. Theo Tom Trandt, khách hàng thay đổi nhiều về nhận thức và nhu cầu đối với trang phục. Do đó, ngoài thiết kế đặc trưng của thương hiệu, việc đầu tư hình ảnh cho các kênh mua bán online cũng là một trong những điều mà các thương hiệu cần lưu ý.

Giai đoạn mới, các thương hiệu sẽ cùng đồng loạt đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online, phát triển kênh mua sắm trực tuyến với nhiều ưu đãi hấp dẫn. NTK Thủy Nguyễn triển khai một số dự án cộng tác với các trang thương mại điện tử giới thiệu các sản phẩm phân khúc giá bình dân hơn. NTK Đỗ Long, NTK Lê Thanh Hòa đã cho ra mắt các dòng sản phẩm đầm đơn giản qua hệ thống bán online, giới thiệu mini collection trên website. Ngoài ra, sau khi hết dịch, NTK Đỗ Long sẽ thực hiện một liveshow thời trang với hàng trăm mẫu thiết kế. NTK Đặng Trọng Minh Châu đã chuẩn bị hơn 30 mẫu áo dài mới nhất cho mùa cưới cuối năm, khi hết dịch sẽ ra mắt.

Tin cùng chuyên mục