Thời trang bền vững: Hợp thời nhưng khó bán

Trong bối cảnh thế giới căng mình chống biến đổi khí hậu, ngành thời trang buộc phải bắt nhịp xu thế bằng cách hướng tới những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Theo tờ Wall Street Journal, các sản phẩm này đang gặp khó vì giá cả nguyên liệu tăng cao.
Hình ảnh giày dán nhãn chỉ số carbon cung cấp cho người dùng sự minh bạch về khí thải

Nếu thế giới thời trang muốn có ít tác động hơn đến hành tinh, giải pháp tốt nhất sẽ là sản xuất ít hơn, thế nhưng các thương hiệu nổi tiếng vẫn muốn doanh số bán hàng tiếp tục tăng như bình thường. Giám đốc điều hành Hennes & Mauritz Helena Helmersson nói với nhóm hành động khí hậu Race to Zero vào tháng trước rằng, cần phải có một cách tiếp cận khác về cách thiết kế, sản xuất và sử dụng thời trang.

Ông chủ của Zalando, nhà bán lẻ quần áo trực tuyến lớn nhất châu Âu, trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times cho rằng, thời trang nhanh - nơi quần áo được sản xuất và bán với giá rẻ và số lượng lớn sẽ biến mất trong thời gian tới. Tuy nhiên, bản thân Zalando đang có kế hoạch tăng gấp 3 doanh số vào năm 2025, H&M lại muốn tăng doanh thu từ 10%-15%/năm trong dài hạn.

Thời trang đang gây lãng phí lớn: khoảng 100 tỷ bộ quần áo được sản xuất mỗi năm, trong đó hơn 50 tỷ bị đốt hoặc gửi đến bãi rác trong vòng 12 tháng sau khi được mua, theo một báo cáo của UBS. Để khắc phục điều này, các thương hiệu muốn trở nên “tròn trịa” hơn bằng cách thay đổi chuỗi cung ứng thời trang. Các thương hiệu đang cố gắng cắt giảm số lượng nguyên liệu sản xuất các loại vải có nguồn gốc từ dầu mỏ như polyester (PET). Khai thác các nguyên liệu nguồn này cần phải chậm lại từ mức tăng trưởng hàng năm là 3% hiện nay, xuống còn 1% để đạt mục tiêu bền vững. Nhưng giá giao ngay của PET tái chế đã tăng gần gấp đôi trong năm nay ở châu Âu, khiến chi phí trở nên tốn kém hơn khi chuyển sang vật liệu bền vững.

Một trong những cách nhanh nhất để cắt giảm sản lượng carbon của ngành công nghiệp thời trang là khuyến khích người mua sắm mặc quần áo hiện có của họ nhiều hơn. Theo Quỹ Ellen MacArthur, việc sử dụng gấp đôi hàng may mặc sẽ làm giảm 44% lượng khí thải của ngành. Các hãng cũng khuyến khích người mua sắm giảm nhu cầu, chẳng hạn như chiến dịch “Mua tốt hơn, mặc lâu hơn” của Levi’s, ra mắt vào tháng 4 năm nay; hoặc “Mua ít hơn, yêu cầu nhiều hơn” của Patagonia. Theo nhận định từ nhiều chuyên gia trên thế giới, thời trang nhanh sẽ suy giảm đến 24% trong vòng 5 năm tới.

Những doanh nghiệp ngành thời trang buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để có thể tồn tại lâu dài. Nhiều thương hiệu thời trang từ quần áo như H&M, Zara đến giày dép như Allbird, Adidas… lần lượt dán nhãn chỉ số tiêu thụ carbon lên sản phẩm. Allbirds, một hãng thời trang giày dép thân thiện môi trường đến từ Mỹ, thông báo trở thành thương hiệu thời trang đầu tiên dán nhãn chỉ số khí thải carbon (carbon footprint) trên mọi sản phẩm - chỉ số đại diện cho lượng carbon dioxide (carbon) sản sinh trong quá trình sản xuất.

Theo Forbes, 7,6kg carbon là mức trung bình cho mỗi sản phẩm giày dép Allbirds, trong khi lượng khí thải carbon của một túi nhựa khoảng 1,6kg, quần jeans tầm 29,6kg và xe đạp khoảng 240kg. Allbirds cùng các chuyên gia khí thải carbon phát triển công cụ đo cường độ carbon, chú trọng từ chất liệu, sự phát triển, sản xuất, cho đến khâu đóng gói và vận chuyển. Sáng kiến này được đưa ra nhằm tiếp nối Quỹ Carbon được hãng giới thiệu vào năm ngoái.

Theo đó, Allbirds sẽ ủng hộ tài chính cho đơn vị này. Đổi lại, quỹ sẽ hỗ trợ công ty duy trì 100% mức phát thải carbon trung tính. Ngoài ra, quỹ sẽ tài trợ cho các dự án giảm phát thải trong không khí, gió và năng lượng.

Tin cùng chuyên mục