Thời điểm vàng hấp thụ vốn ngoại

Được ví là “vịnh tránh bão” nên Việt Nam đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ vốn để doanh nghiệp (DN) trong nước phục hồi sản xuất, tăng khả năng hấp thụ dòng vốn nước ngoài là hết sức cấp thiết. 
Hàng hóa tại kho vận Tân Cảng - Cát Lái đang được vận chuyển xuất nhập vào các container. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hàng hóa tại kho vận Tân Cảng - Cát Lái đang được vận chuyển xuất nhập vào các container. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bức tranh trái chiều

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, trải qua 2 năm chống dịch, nhiều DN đã rơi vào tình trạng “kiệt vốn”. Đến đầu năm 2022, tình hình kinh tế khả quan nhưng DN lại phải tiếp tục đối mặt với giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao. Nhiều đơn hàng đã được chốt vào cuối năm 2021 nhưng lại có nguy cơ lỗ khi phải giao hàng vào quý 1 và quý 2 năm nay.

Hiện các DN đã đàm phán lại giá với đối tác, nhưng phải thừa nhận, rất khó để có thể dự đoán chính xác những diễn biến phức tạp về giá nguyên vật liệu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bóng đen về nguy cơ đứt gãy logistics cũng như sự tăng vọt giá vận chuyển vẫn tiếp tục đe dọa sự sống còn của DN, bởi biên độ lợi nhuận hiện nay vốn đã rất mỏng, trong khi việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ vốn hết sức… khiêm tốn. 

Đối nghịch với bối cảnh khó khăn của DN nội thì Việt Nam đang thu hút dòng vốn ngoại rất lớn. Yếu tố thuận lợi là tình hình chính trị, xã hội Việt Nam ổn định, dịch bệnh đã được kiểm soát, việc ký kết thành công 17 hiệp định thương mại đã mở toang cánh cửa thị trường giao thương... Cụ thể hóa những lợi thế này, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam là hơn 10 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua).

Chia sẻ khi quyết định chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy, ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Techonic Industries (TTI), cho biết, hiện công ty đang triển khai đầu tư dự án 650 triệu USD tại Khu công nghệ cao TPHCM. Đây là nhà máy có quy mô sản xuất lớn thứ 2 trong tổng số 12 nhà máy trên toàn cầu của TTI, mục tiêu sẽ đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm từ đây. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu trên, nhà máy cần xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa tại Việt Nam đạt khoảng 80%. Do vậy, hiện công ty cần khoảng 180-200 DN cung ứng tại Việt Nam ở 4 lĩnh vực phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại. 

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Bộ Công thương, cho biết, trong 6 tháng qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) đã phối hợp nhằm tìm kiếm DN trong nước cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Đây là tầm nhìn lâu dài của nước bạn, bởi vì trong 3 năm trở lại đây, Nhật Bản xác định Việt Nam là một trong 5 thị trường chiến lược. Việc đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam còn gia tăng nhanh sau khi chính phủ nước này đã dành gói 2 tỷ USD để hỗ trợ DN đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, khuyến khích mở rộng hoặc đầu tư mới tại Việt Nam.

Tiếp sức nhằm nâng cao nội lực

Trước bức tranh trái ngược nêu trên, vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao nội lực DN trong nước để hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài đang bơm ào ạt vào Việt Nam?  PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, phân tích, trước mắt DN nội rất cần “hà hơi tiếp sức” từ gói hỗ trợ lãi suất 2% do Quốc hội phê duyệt. Việc chậm tiếp cận gói này có nguyên nhân quan ngại “bơm” tiền vào nền kinh tế sẽ làm gia tăng mức lạm phát. 

“Phải gạt bỏ tâm lý trên, bởi cho dù có lo hay không thì chúng ta vẫn đang phải “nhập khẩu” lạm phát. Hiện lạm phát khoảng 2,9%, nhưng với đà tăng giá của nguyên vật liệu trên thế giới, lạm phát có thể chạm mức 4%-5% vào cuối năm. Do đó, ngay thời điểm này, cần đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ để giúp DN phục hồi kinh tế. Chúng ta phải sẵn sàng cho kịch bản lạm phát cao hơn để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, đón sóng đầu nước ngoài đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Đây là thời điểm vàng để giúp DN phục hồi sản xuất, tăng tốc xuất khẩu sau thời gian bị nén vì dịch bệnh”, ông Trần Đình Thiên nhận xét.

Ở góc độ khác, theo bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại - Chương trình phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam, xung đột thương mại tại các quốc gia lớn vẫn tiếp diễn nên việc di dời các nhà máy công nghiệp cũng như dịch chuyển thương mại từ các nước sang Việt Nam sẽ gia tăng. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại sẽ dẫn đến quá tải, ùn tắc nghiêm trọng về thủ tục hành chính cho đến việc lưu thông hàng hóa. Đơn cử, theo quy hoạch cảng Cát Lái có công suất tiếp nhận 6,3 triệu TEUS/năm, nhưng năm 2021 phải tiếp nhận 8,35 triệu TEUS, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên gần 20 triệu TEUS.

Do vậy, hết sức cấp thiết cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng Cát Lái nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, nâng cao hiệu quả logistics của TPHCM và cảng Cái Mép, giúp gia tăng thuận lợi giao thương. 

Đối với thủ tục hành chính, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng, phải đơn giản hóa các thủ tục để DN nhanh chóng tiếp cận được gói vốn hỗ trợ của Chính phủ và gói hỗ trợ lãi suất vay từ hệ thống ngân hàng. Thay vì yêu cầu nhiều thủ tục xét duyệt phức tạp thì chỉ cần DN chứng minh năng lực hoạt động sản xuất, đơn hàng ổn định, lịch sử vay trả.

Những DN đã có tài sản thế chấp thì có thể xem xét nâng tỷ lệ mức vay trên tài sản đang thế chấp, từ đó góp phần tăng nguồn vốn lưu động. Đặc biệt, giá xăng dầu phải giảm để kéo giảm giá thành sản phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

Thông tin mới nhất từ Bộ KH-ĐT cho thấy, trong số 83.000 DN nội rời bỏ thị trường từ đầu năm đến nay, có hơn 50.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; hơn 24.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 9.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể. 

Tin cùng chuyên mục