Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: ​

Thời điểm này chúng ta có quyền lựa chọn vay hay không vay

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhu cầu đầu tư là rất lớn, nhưng nếu vay vượt định mức 300.000 tỷ đồng là toàn bộ chỉ tiêu vĩ mô về bội chi, nợ công có nguy cơ vỡ kế hoạch. 

 

 

Cuối phiên họp chiều 3-11 của Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình thêm với Quốc hội về đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tình hình nợ công tăng cao, tiến tới gần giới hạn Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo, hoàn thiện dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) theo hướng bổ sung vào dự án Luật hệ thống các công cụ quản lý nợ công (QLNC) bền vững như chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm (gồm năm hiện hành, năm kế hoạch, năm tiếp theo).

Thời điểm này chúng ta có quyền lựa chọn vay hay không vay ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội trong phiên họp chiều 3-11-2017. Ảnh: quochoi
“Kế hoạch vay - trả nợ công hàng năm được cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ quyết định rất chặt chẽ. Đồng thời, bổ sung các quy định về nguyên tắc quản lý nợ công, những hành vi bị cấm, các quy định về quản lý huy động, sử dụng, trả nợ, trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan một cách chặt chẽ hơn so với Luật năm 2009. Xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan trong QLNC bao gồm Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về nợ công. Bên cạnh đó, đã xác định vai trò của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát cộng đồng về QLNC. Đã đưa ra những quy định làm rõ, siết chặt hơn phạm vi bảo  lãnh chính phủ, vay về cho vay lại, vốn vay nước ngoài… để giảm thiểu rủi ro, không làm gia tăng khoản nợ cho ngân sách Nhà nước”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tế không có chuyện chúng ta đi vay thương mại về cho vay lại. Bộ trưởng cho biết: “Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ về một loạt khoản vay của WB, ADB. Chúng ta đã “tốt nghiệp” IDA, nên có nhiều khoản vay, dự án, sau khi tính toán, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ không vay nữa. Lý do một là lãi suất quá cao, 5 - 7%/năm, nếu tính bình quân (bao gồm cả trượt giá), cao hơn vốn vay trong nước. Hai là, những hiệp định này, chuẩn bị đàm phán thì nằm ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội thông qua”.

Khẳng định nhu cầu đầu tư là rất lớn, nhưng nếu vay vượt định mức 300.000 tỷ đồng là toàn bộ chỉ tiêu vĩ mô về bội chi, nợ công có nguy cơ vỡ kế hoạch. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, đây là thời điểm chúng ta có quyền lựa chọn giữa vay và không vay cũng như lựa chọn các khoản vay phù hợp, vấn đề là lợi ích, là sử dụng các khoản vay có hiệu quả hay không?

Về điều kiện cho vay lại, Bộ Tài chính đưa ra hai trường hợp. Các chương trình dự án, sẽ do Ngân hàng Chính sách thực hiện, ngân hàng không phải chịu rủi ro. Các dự án sản xuất kinh doanh sẽ ngân hàng thương mại thực hiện, rủi ro sẽ do ngân hàng phải gánh chịu.

Tin cùng chuyên mục