Thời của "thành phố hạng hai"

Khắp các châu lục, nhiều thành phố hạng hai ở Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ… đang có tác động kinh tế ấn tượng. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng, các thành phố hạng hai đang nổi lên như những nhà vô địch đô thị mới và có nhiều tiềm năng phát triển vượt trội.
Đường phố ở Curitiba được phân luồng hợp lý, có làn dành riêng cho người đi bộ
Đường phố ở Curitiba được phân luồng hợp lý, có làn dành riêng cho người đi bộ

Sức hấp dẫn ngày càng tăng 

Các thành phố Toulouse, Eindhoven hoặc Manchester có điểm chung đều là “thành phố hạng hai” ở quốc gia của họ và đã vượt trội hơn so với thành phố thủ đô về tốc độ tăng trưởng. Bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng có thể khiến các thành phố lớn quá tải, gây ra sự bất ổn về kinh tế và khiến chúng trở nên kém cạnh tranh hơn, càng khiến thành phố hạng hai phát triển mạnh mẽ. 

Các thành phố này sẽ biến quá trình ra quyết định dễ dàng hơn thành lợi thế, mở đường cho các thành phố bền vững và đáng sống hơn trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài, đầu tư và kinh doanh. Một báo cáo từ Đại học Liverpool (Anh) nhận định, các chính phủ và nhà hoạch định chính sách nên dành nhiều thời gian hơn cho các thành phố hạng hai vì lợi ích của nền kinh tế quốc gia. Trên thực tế, một số thành phố hạng hai đã thu hút và giữ được nhiều nhân tài hơn thành phố thủ đô. Tiềm năng tăng trưởng này sẽ tạo ra một cuộc thi đua giữa các thành phố, nơi sẽ cố gắng thu hút đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn ngày càng tăng đi kèm với các công ty công nghiệp, các thành phố hạng hai có tất cả lợi thế để trở thành nhà vô địch đô thị mới.

Các thành phố hạng hai đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho sản xuất quốc gia, hậu cần và hiệu quả của chuỗi cung ứng. Hoạt động của chúng ảnh hưởng đến các luồng hàng hóa, dịch vụ và tài nguyên quốc gia. 

Tuy nhiên, các thành phố hạng hai này phải đối mặt với nhiều thách thức về việc thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược, dịch vụ đô thị và phát triển nguồn nhân lực. Cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, sản lượng kinh tế bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia. Khoảng cách giữa tốc độ phát triển của các thành phố hạng hai và các vùng đô thị đang gia tăng ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Kết nối về giao thông, liên lạc và thông tin, thương mại, quản trị giữa các thành phố ngày càng trở nên phức tạp, dẫn đến sự phát triển không bền vững, tạo ra các mô hình phát triển đô thị không cân bằng của quốc gia.

Quy hoạch tổng thể cho thành phố hạng hai quy định một cấu trúc tăng trưởng hướng tâm. Để củng cố mô hình này, sẽ phải đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, bao gồm việc mở rộng các đường phố trong khu vực trung tâm. Giao thông công cộng khi đó là một dịch vụ phân mảnh được cung cấp bởi một số nhà điều hành xe buýt chạy các hành trình biệt lập dọc theo những con phố đông đúc nhất của thành phố... 

Hình mẫu bền vững

Curitiba là một trong những thành phố hạng hai của Brazil vượt qua được những thách thức kể trên. Thuộc bang Parana, ở miền Nam nước này, Curitiba có diện tích 432km2, dân số 3,2 triệu người, được coi là hình mẫu thành phố hạng hai. 

Từ năm 1971, thành phố này bắt đầu thực hiện cấu trúc thiết kế đô thị định hướng cho phát triển bền vững. Lựa chọn dành cho vận chuyển bằng xe buýt mang lại những lợi thế về hiệu quả kinh tế, khả năng thích ứng và linh hoạt hơn theo thời gian - cho phép tăng cường triển khai hệ thống theo tốc độ phát triển nhanh chóng của Curitiba. Tuy nhiên, đó không phải là hệ thống xe buýt thông thường. 

Khi Curitiba đô thị hóa nhanh chóng, thành phố chỉ có 0,5m2 diện tích cây xanh/người và một công viên công cộng duy nhất được xây dựng từ cuối những năm 1800. Vào thời điểm đó, chính phủ liên bang đã chi một khoản tiền đáng kể để đầu tư vào công tác phòng chống và kiểm soát lũ lụt. Thay vì chi số tiền này để lấp các con sông của Curitiba bằng bê tông, các kiến trúc sư áp dụng cách tiếp cận coi các con sông là một phần của thành phố và sử dụng tiềm năng của chúng để tạo ra các khu vực công cộng mới cho thành phố; thực hiện các chính sách thoát nước đô thị thông qua ý tưởng sáng tạo chuyển đổi các khu vực xung yếu thành các công viên chủ yếu ngăn lũ lụt. Ngày nay, ngay cả khi dân số tăng cao, vẫn có hơn 50m2 diện tích cây xanh/người và 34 công viên. 

Cuối cùng, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề bản sắc và lòng tự trọng của người dân. Câu chuyện này phải được xây dựng để tăng cường mối liên kết đoàn kết thông qua việc tôn trọng sự đa dạng, đặc biệt là các không gian công cộng là nơi để mọi người gặp gỡ và chia sẻ. Đã có những can thiệp trong các khu lịch sử, tạo ra các quảng trường và công viên như Nhà hát Paiol, Trung tâm Sáng tạo tại Công viên São Lourenço, Bảo tàng Oscar Niemeyer, các khu chợ đường phố... Tính bền vững, tính di động, bản sắc, đa dạng xã hội là những từ khóa cho quy hoạch ở Curitiba và cho quy hoạch đô thị hạng hai ở khắp mọi nơi.

Tin cùng chuyên mục