Thoát nghèo trên đất mặn - ngọt

Hồi nào nghèo mạt rệp, cứu đói liên miên mà nay đã có nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân, năm 2016 xã Hòa Tú 1 thu được hơn 13,4 triệu đồng tiền thuế...
Vùng đất truyền thống khởi nghĩa Nam Kỳ thuộc vùng sâu (xã Hòa Tú 1, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cứ 6 tháng mặn - ngọt nối nhau, trước kia thuộc loại nghèo nhất huyện, đường đến đây đò giang trắc trở, vậy mà từ năm 2015 đã đạt chuẩn nông thôn mới và tháng 6 này, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4%.
Ngày càng nhiều người đóng thuế
“Hồi nào nghèo mạt rệp, cứu đói liên miên mà nay đã có nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân, năm 2016 xã thu được hơn 13,4 triệu đồng tiền thuế”, Bí thư Đảng ủy xã Trần Tấn Nhanh khoe khi chúng tôi đi trên những con đường bê tông liên ấp.
Hơn chục năm về trước, ấp sang ấp phải bơi xuồng. Từ xã lên huyện thì đò dọc, đón lúc nửa đêm và mỗi ngày chỉ có một chuyến. Nếu lỡ chuyến là phải đợi hôm sau. Đất đai mênh mông, 6 tháng nước mặn bỏ hoang, còn 6 tháng nước ngọt làm một vụ lúa năng suất thấp khiến người dân xã đói nghèo đeo đẳng.
Xã Hòa Tú 1 có 8 ấp, tên ấp chung chữ Hòa, chữ còn lại nghe như tên người: Đê, Phuông, Nhãn, Trung… Bí thư Trần Tấn Nhanh cười: “Thì đúng là lấy tên người đặt tên cho ấp, cha ông bảo vậy, Hòa Đê, Hòa Phuông, Hòa Nhãn, Hòa Trung…Tên có từ thời Pháp thuộc, hồi đó giữa đồng ruộng mênh mông, lâu lâu mới có một căn nhà của ông nọ ông kia”. 
Bây giờ Hòa Tú 1 đã đổi khác hoàn toàn. Diện tích đất tự nhiên 3.156ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm năm 2016 là 2.896ha, đa số là tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến. Có 1.585ha ruộng cạn, sau nuôi tôm là sạ lúa (1.432ha lúa đặc sản), năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, tổng sản lượng 10.302 tấn. Xã có 2.349 hộ với 9.878 người. HTX Nông ngư Hòa Đê (ở ấp Hòa Đê) có 73ha tôm - lúa, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, không dùng hóa chất, kháng sinh.
Giám đốc Mã Văn Hồng giới thiệu, ngay từ năm 2013, HTX chỉ sử dụng men vi sinh và khi tôm nhiễm bệnh thì dùng tỏi để trị các thành viên tuyệt đối không dùng hóa chất và kháng sinh. Mùa khô nuôi tôm và cá, còn mùa mưa làm lúa không sử dụng thuốc hóa học, không cả cày bừa đáy ao.
Thoát nghèo trên đất mặn - ngọt ảnh 1 Đường liên ấp ở xã Hòa Tú 1 đổ bê tông khang trang . Ảnh: DUY TƯƠNG
Về thăm HTX dịp này, chúng tôi chứng kiến các ruộng đang nhộn nhịp nuôi tôm, vài tháng nữa có nhiều nước ngọt sẽ bắt tôm để sạ lúa và gần tết âm lịch sẽ thu hoạch lúa, ra tết lại thả giống nuôi tôm. Giám đốc Mã Văn Hồng cho biết kết quả sản xuất của HTX năm 2016, với tổng diện tích 73ha, nuôi tôm thẻ chân trắng 45ha, tôm sú 18ha, sạ lúa 29ha.
Tôm thẻ chân trắng 2 vụ thu 76,8 tấn; tôm sú 1 vụ thu 13 tấn; lúa thu 188 tấn. Cả năm thu lời khoảng 2,7 tỷ đồng, chưa kể các loại cá nuôi xen trong ao và rau màu trồng trên bờ ao thu hoạch cũng tốt. Thành viên HTX thu lời cao nhất là vợ chồng ông Trần Văn Chính, gần 70 tuổi, tổng lời là 250 triệu đồng/năm 2016. 
Vượt qua gian nan
Quá trình từ nghèo nàn tới làm giàu ở đây, bà con phải vượt qua nhiều tháng năm gian nan, thử thách. Trước tiên là thay đổi tập tục canh tác lạc hậu từ trăm năm xưa, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tiếp theo, đầu năm 2009, có 19 hộ chí thú làm ăn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm ở ấp Hòa Đê, liên kết thành tổ hợp tác với 28ha tôm - lúa, nhằm hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dần dần phát triển cả về chất lượng và quy mô để HTX Nông ngư Hòa Đê ra đời. 
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên, ông Trần Quốc Quang, cho biết, khi bà con rành rẽ việc nuôi tôm không kháng sinh thì huyện hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhờ thế, năm nay HTX Nông ngư Hòa Đê đã ký hợp đồng để Công ty Thủy sản sạch Sóc Trăng bao tiêu tôm với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 5.000 đồng/kg tôm. “Chúng tôi cam kết sản xuất không kháng sinh, không hóa chất, sẵn sàng chấp nhận mọi sự kiểm tra”, Giám đốc HTX tuyên bố. 
Cán bộ ở xã Hòa Tú 1 có đất cũng làm tôm - lúa không thua nông dân giỏi. Gia đình Bí thư Trần Tấn Nhanh có 1ha ruộng ở ấp Hòa Trung, làm tôm - lúa đã, hiện mỗi năm lãi chừng 100 triệu đồng nên ông yên tâm công tác.
Gia đình Phó Chủ tịch UBND xã Trương Hoàng Khai có 2ha ruộng ở ấp Hòa Phuông, làm tôm - lúa mà cả gia đình khá giả. Nhiều người công tác nơi khác nhưng gốc gác ở xã Hòa Tú 1 cũng gắn bó với tôm - lúa. Các cán bộ hợp tác cùng nhau làm tôm - lúa để có thêm thu nhập. Nhờ nguồn thu nhập từ đây, con cái của các cán bộ công tác tại địa phương học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa xây dựng khang trang.
Càng giàu có, người dân Hòa Tú 1 càng không quên truyền thống Khởi nghĩa Nam Kỳ của ông cha mà hình ảnh và sử liệu được lưu giữ trang trọng trong đình Hòa Tú. 
Ngôi đình xây dựng năm 1852 bằng cây lá đơn sơ nhưng là nơi ra đời Chi bộ Hòa Tú với ban đầu chỉ có 3 đảng viên (cuối năm 1938). Sau đó, phát triển lên 8 đảng viên và ngày 23-11-1940, nhận lệnh khởi nghĩa từ Xứ ủy Nam Kỳ các đảng viên đã lãnh đạo nông dân vùng lên cướp đồn Cổ Cò, diệt tiếp hai đồn nhỏ khác, làm chủ quê hương... Đình Hòa Tú nay nâng cấp khang trang, trở thành “Địa điểm lưu niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ” và là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp Quốc gia từ năm 1992. 
Truyền thống quật cường đã được phát huy tốt trong khai thác tiềm năng thiên nhiên để thoát nghèo. Quá trình đổi mới cuộc sống là quá trình đi lên liên tục, không ngừng nghỉ. Đường bê tông cho xe hai bánh cách nay chưa lâu còn là niềm mơ ước bao đời, cũng đã lạc hậu với sự phát triển, bởi sản xuất tôm - lúa đòi hỏi đường rộng hơn, xe tải nhẹ chạy được để thông thương hàng hóa nhanh hơn. Đầu năm 2017, xã đã đầu tư mấy tỷ đồng mở rộng 4 con đường, một số đường khác vừa quy hoạch cắm mốc, có vốn sẽ mở mang.
Huyện Mỹ Xuyên đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 5 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí. Năm 2016, vốn xây dựng nông thôn mới hơn 595 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 1,71%; vốn lồng ghép 17,36%; vốn tín dụng 40,60%; vốn doanh nghiệp 32,96%; vốn huy động sức dân 7,37%. Toàn huyện có 19.200ha lúa đặc sản, 21.320ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu tôm). Hiện nay, huyện tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng diện tích “lúa thơm - tôm sạch”.

Tin cùng chuyên mục