Thoái vốn và xử lý nợ xấu để đột phá thị trường M&A

Tại diễn đàn M&A (mua bán, sáp nhập) Việt Nam lần thứ 9 năm 2017 với chủ đề  “Tìm bước đột phá” vừa được tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia cho biết, mặc dù thị trường M&A Việt Nam liên tục lập kỷ lục về quy mô thương vụ, với tổng giá trị đạt 5,8 tỷ USD trong năm 2016, tăng trưởng 11,92% so với năm 2015 nhưng hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. 
Theo nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn, trong bối cảnh hoạt động M&A đang gặp không ít khó khăn và thách thức đan xen, nếu không có gì đột phá, giá trị M&A trong năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Năm 2017 được dự kiến sẽ là năm của các giao dịch quy mô lớn liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp (DN) nhà nước với quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh hơn quá trình cổ phần hóa và thoái vốn ở một số các tập đoàn và tổng công ty lớn. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, quá trình tái cơ cấu DN nhà nước được coi là cú hích quan trọng để thị trường M&A Việt Nam có được bước đột phá trong thời gian tới. Và nếu có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn DN nhà nước thì giá trị M&A Việt Nam trong năm 2017 hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2-6,5 tỷ USD hoặc cao hơn.
Ngoài thoái vốn DN Nhà nước, các chuyên gia cũng nhận định với việc tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu cũng là cú hích cho hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới. Ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, cho biết hiện không ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngân hàng Việt Nam, trong đó có các ngân hàng mua lại 0 đồng. Tuy nhiên, khi tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài phải nhìn thấy triển vọng xử lý nợ xấu.
Việc Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được coi là sẽ gỡ nút thắt trong hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Theo ông Thọ, với cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu, nhiều khả năng các thương vụ sẽ sớm được hiện thực hóa.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN nhà nước và DN tư nhân, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2017, dù phải đối phó với nhiều thách thức nội tại, cũng như những biến đổi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao…  

Tin cùng chuyên mục