Thịt heo sạch vẫn đủ cung ứng thị trường

Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 60 tỉnh, thành khiến nhiều doanh nghiệp “tiên đoán” lượng thịt có khả năng thiếu hụt nên tăng sản lượng nhập khẩu; tuy nhiên, TPHCM khẳng định nguồn thịt heo sạch vẫn đủ cung ứng thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, nếu thịt heo nhập nhiều trở thành nguy cơ đối với ngành chăn nuôi trong nước và số lượng nhập ồ ạt, dễ dẫn đến khó kiểm soát chất lượng.

Nhập khẩu giá rẻ để dự trữ dịp tết 

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 26-6, bệnh DTHCP đã xuất hiện ở 60 tỉnh, thành, với tổng số heo bệnh buộc phải tiêu hủy khoảng 2 triệu con. Tổng số heo ước giảm 10% so với cùng thời điểm năm 2018. Nhận thấy bệnh DTHCP vẫn đang diễn biến xấu, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu thịt heo về để tiêu thụ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi khoảng 23,6 triệu USD để nhập khẩu thịt heo, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018, chỉ có 3,5 triệu USD. Không chỉ thịt heo mà còn rất nhiều sản phẩm khác từ gia cầm, thịt trâu, bò đến nhiều phụ phẩm giết mổ khác đều tăng lượng nhập khẩu.

Qua các số liệu nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo ý kiến chuyên gia, Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos dự báo đến cuối năm 2019 và gần Tết Nguyên đán năm 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt heo, chiếm gần 20% tổng nhu cầu, do những ảnh hưởng nặng nề của DTHCP.

Tương tự, theo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thịt heo nhập khẩu dạng đông lạnh thường dùng trong chế biến giò chả, xúc xích, lạp xưởng và một số đưa vào các bếp ăn tập thể, nhà hàng, nhưng chỉ với số lượng nhỏ.

Còn đa số doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn thịt đông lạnh chủ yếu dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán tới vì tranh thủ giá thịt đông lạnh trên thế giới đang thấp. 

Thịt heo sạch vẫn đủ cung ứng thị trường ảnh 1 Thịt heo trong tủ mát tại các siêu thị được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định nguyên nhân thịt heo nhập khẩu nhiều là do Trung Quốc cũng bị DTHCP nên thiếu khoảng 30% nhu cầu thị trường.

Hiện Trung Quốc nhập khẩu thịt đông lạnh chủ yếu từ Mỹ và Canada, nhưng do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên sản phẩm của Mỹ không thể xuất sang Trung Quốc. Từ đó, những doanh nghiệp Mỹ phải hạ giá bán để tìm thị trường khác, khiến thị trường thịt đông toàn cầu giảm.

“Thịt heo nhập khẩu giá thành đang rẻ, nhất là sản phẩm gần hết hạn sử dụng, thì chất lượng càng giảm. Nhà nước cần nắm được số liệu tổng đàn heo sạch còn trong nước để hạn chế nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước”, một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đề nghị, sau khi có thông tin Trung Quốc phát hiện thịt heo nhập khẩu từ Canada chất lượng kém do giấy tờ xuất khẩu đã được chỉnh sửa.

Thịt mát hút hàng

Tuy bệnh DTHCP bùng phát nhưng thị trường thịt heo ở TPHCM vẫn ổn định, trung bình tiêu thụ 10.000 con heo/ngày. Vậy thực sự có phải thịt heo nội địa có thiếu đến mức phải nhập khẩu? 

Chúng tôi dạo quanh nhiều chợ truyền thống thời điểm sau 12 giờ trưa, nhưng tại các quầy thịt heo vẫn ế ẩm. Một tiểu thương tại chợ Nguyễn Thái Bình cho hay, từ khi xảy ra bệnh DTHCP, người tiêu dùng giảm sử dụng, dù giá thịt heo cũng giảm.

Ngược lại, tại quầy thịt heo có thương hiệu trong các siêu thị khá đông khách, giá thịt heo vẫn ở mức khá cao, như thịt ba rọi rút xương khoảng 160.000 - 190.000 đồng/kg, sườn non 190.000 - 210.000 đồng/kg… 

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), khẳng định ngoài việc cung cấp thị trường đủ số lượng, Vissan còn cấp đông 100kg thịt heo/ngày.

Hiện số lượng thịt Vissan cung cấp ngoài chợ giảm, nhưng bù lại sản lượng tiêu thụ trong siêu thị tăng. Điều đó chứng tỏ thịt heo nội địa không thiếu. Nếu diễn biến DTHCP bất lợi, đàn heo giảm, người tiêu dùng phải chấp nhận sử dụng thịt nóng với giá cao hơn rất nhiều so với thịt mát, thịt đông được nhập khẩu.

“Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đi chợ mua thịt heo nóng về nhà vẫn đưa vào tủ lạnh cấp đông để dùng bữa sau; còn thịt mát, thịt đông bán ngoài thị trường lại không mua?”, ông Nguyễn Ngọc An nhận xét.

Đồng quan điểm, một trong những công ty cung cấp thịt heo lớn nhất cả nước, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, cho hay, từ sau khi xảy ra DTHCP, nhiều người đã thay đổi thói quen sử dụng thịt mát nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tái cơ cấu đàn theo quy mô trang trại

Hiện nay, thói quen người tiêu dùng vẫn quen sử dụng thịt heo chiếm 70% trong bữa ăn, thịt gà khoảng 15%, ông Nguyễn Quốc Đạt kiến nghị về lâu dài, nhà nước cần có lộ trình cụ thể để nông hộ chuyển đổi mô hình chăn nuôi khác phù hợp để phát triển.

Theo Ipsos, đây là cơ hội để Bộ NN-PTNT đưa ra quy hoạch chăn nuôi heo theo vùng, vừa kiểm soát các vấn đề môi trường vừa giảm thiểu rủi ro nếu xảy ra dịch bệnh; cùng lúc tạo ra cơ chế giám sát chặt chẽ; đồng thời triển khai chuỗi cung ứng đông lạnh, tạo ra khoảng “đệm” cần thiết để đối phó với khủng hoảng, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đưa ra các bộ tiêu chuẩn về an toàn sinh học, thắt chặt các quy định về việc mở trang trại chăn nuôi mới cũng là việc cần thiết để đảm bảo sự bền vững và vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam. Để đạt được hiệu quả cao nhất, các vấn đề cần triển khai đồng bộ với quy hoạch chăn nuôi mới.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), dự kiến trong tháng 10-2019, Bộ NN-PTNT sẽ tổng kết ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, cơ cấu lại các nhóm sản phẩm đặc thù và lợi thế của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Song song đó, bộ đã chuẩn bị con giống (cụ kỵ) khỏe hơn, tốt hơn để tập trung chăn nuôi theo quy mô, hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã cần liên kết với nông dân để giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng tới trang trại lớn nhằm đầu tư công nghệ, quản trị. Người tiêu dùng cũng nên chuyển dần sang dùng thịt mát và hướng khẩu phần ăn sang sản phẩm khác.

Tăng cường ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi

Để ngăn ngừa DTHCP lây lan nhanh, Sở NN-PTNT TPHCM vừa đề nghị UBND các quận huyện tiếp tục triển khai rà soát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời phát hiện ổ dịch để triển khai các biện pháp cách ly, khu trú, bao vây xử lý nhanh khống chế ổ dịch, ngăn chặn việc đưa heo bệnh, sản phẩm heo ra khỏi vùng có dịch để tiêu thụ, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, UBND các quận huyện tiếp tục thông tin, tuyên truyền khuyến cáo các cơ sở, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

Đặc biệt, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo, ngưng toàn bộ hoạt động thăm viếng đối với người bên ngoài vào trại chăn nuôi.

Bản thân người chăn nuôi yêu cầu thương lái đến mua heo phải thay ủng, phương tiện để xa bên ngoài và được tiêu độc, khử trùng kỹ lưỡng...

Song song đó, các sở ngành tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo và phụ phẩm tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm (không có ban quản lý chợ), nhằm xử lý triệt để tình trạng phát sinh kinh doanh thịt heo không rõ nguồn gốc.

Sở NN-PTNT TPHCM cũng phối hợp, hướng dẫn UBND các quận huyện thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có heo mắc bệnh buộc tiêu hủy.

Đối với heo con, heo thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch bệnh xảy ra. Đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 - 2 lần so với mức hỗ trợ các loại heo khác tại thời điểm có dịch bệnh.

QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục