Thiếu vốn đầu tư hạ tầng giao thông Nam bộ

Báo SGGP vừa có loạt bài phản ánh tình trạng giao thông tại khu vực Nam bộ đang quá tải nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đang tăng mạnh của khu vực phát triển kinh tế năng động nhất nước. 
Lượng xe trên cầu Rạch Miễu, hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang luôn đông đúc
Lượng xe trên cầu Rạch Miễu, hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang luôn đông đúc

Các bài viết cũng nêu rõ việc nhiều tuyến đường đã lâu không được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới. Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xung quanh vấn đề này.

°Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ GTVT đã có khảo sát, đánh giá như thế nào về thực trạng giao thông khu vực Nam bộ?

°Thứ trưởng NGUYỄN NHẬT: Những năm qua, Ðảng và Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Nam bộ, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng, như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Ðầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... Tuy nhiên, đầu tư cho hạ tầng giao thông Nam bộ hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. Ví dụ, QL1 từ TPHCM đến Cần Thơ đã được đầu tư quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt nhưng vẫn còn 7 cầu bề rộng chỉ 2 làn xe, tạo thành các “nút thắt” trên tuyến, gây ùn tắc cục bộ vào một số thời điểm như lễ, tết hoặc khi tiến hành duy tu, sửa chữa. Bộ GTVT đã hoàn thành tuyến tránh Cai Lậy để giảm tải trên tuyến chính QL1, được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để đầu tư mở rộng 7 cây cầu này, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2017 - 2018. 

Theo đánh giá chung của Bộ GTVT, hiện khu vực Tây Nam bộ đã cơ bản hình thành các trục dọc, trục ngang về mạng lưới đường bộ, phù hợp với chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng giao thông có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung cả nước, điều kiện tự nhiên phức tạp, địa chất yếu, nên suất đầu tư các công trình giao thông rất lớn. Do vậy, một số tuyến đường vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy mô trong quy hoạch được duyệt do chưa cân đối được nguồn vốn. 

°Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam hiện chỉ có 2 đoạn đường cao tốc là TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trong khi khu vực phía Bắc, từ Hà Nội đi các hướng đều có đường cao tốc với chiều dài hàng trăm kilômét. Có ý kiến cho rằng kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc của Bộ GTVT chưa cho thấy sự đầu tư hợp lý đối với khu vực Nam bộ, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định gì về ý kiến này?

°Về nguyên tắc, việc đầu tư xây dựng phải căn cứ vào nhu cầu vận tải và điều kiện nguồn lực và đặc điểm điều kiện tự nhiên của vùng. Vùng Tây Nam bộ có hệ thống kênh rạch chằng chịt, do vậy, không chỉ phát triển đường bộ mà phải phát triển đường thủy nội địa. Riêng đối với đường cao tốc, do kinh phí đầu tư rất lớn nên trước đây chủ yếu kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ODA và hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Dự án phải có nhu cầu vận tải lớn, có khả năng hoàn vốn cao thì mới huy động được nguồn vốn để đầu tư.

Hiện toàn quốc đã hoàn thành 12 tuyến cao tốc với chiều dài 746km, đang triển khai 9 tuyến với chiều dài 525km. Trong đó, khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến (TPHCM - Trung Lương; TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) với tổng chiều dài 91km, đang triển khai đầu tư 2 tuyến (Bến Lức - Long Thành và Trung Lương - Mỹ Thuận) với tổng chiều dài 108,8km. Ngoài ra, trong vùng còn đang kêu gọi đầu tư tuyến Vành đai 3 TPHCM, Mỹ Thuận - Cần Thơ, TPHCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Phú Mỹ, Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài 331km... Như vậy, sau khi hoàn thành các dự án nêu trên, khu vực phía Nam sẽ có khoảng 530km đường cao tốc, sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

°Bộ GTVT sẽ quan tâm như thế nào đến giao thông khu vực Nam bộ, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn ngân sách?

°Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi đầu tư ODA và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác của cả nước với tổng kinh phí 952.000 tỷ đồng. riêng nhu cầu đầu tư của vùng Tây Nam bộ khoảng 206.772 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là 102.243 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) (gồm vốn NSNN, trái phiếu chính phủ và ODA) là 104.529 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc huy động xã hội hóa đầu tư gặp nhiều khó khăn do thị trường tín dụng trung và dài hạn trong nước bị siết chặt, chính sách thuế, phí chưa hoàn thiện... Nguồn vốn NSNN giao cho Bộ GTVT trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu. Trong đó, theo hướng dẫn của Bộ KH-ÐT, nguồn vốn NSNN chủ yếu để bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, đối ứng cho các dự án chuyển tiếp ODA, tập trung đầu tư mới một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam và một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT sẽ khó có thể cân đối được vốn NSNN cho các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, với hàng loạt các dự án giao thông lớn đã và đang kêu gọi đầu tư, như Bộ GTVT đang triển khai thi công đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, đang kêu gọi đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và một số dự án khác theo hình thức BOT; Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh quy mô tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe để phù hợp với quy mô phân kỳ đầu tư của đường cao tốc..., chắc chắn giao thông khu vực Nam bộ sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.

°Xin cảm ơn Thứ trưởng 

Tin cùng chuyên mục