Thiếu phối hợp, thảm cảnh người di cư chưa dừng

Cái chết của 39 người nhập cư trong container là bằng chứng mới nhất cho thấy các phi vụ đưa người nhập cư lậu luôn mang lại nguồn lợi béo bở (đứng thứ nhì, chỉ sau ma túy), đồng thời bộc lộ nhiều lỗ hổng an ninh. 
Cảng Zeebrugge - đích nhắm của đường dây buôn người vào châu Âu. Ảnh: Telegraph
Cảng Zeebrugge - đích nhắm của đường dây buôn người vào châu Âu. Ảnh: Telegraph

Chỉ kiểm tra 1/400 chứng từ 

Thảm cảnh về người di cư lậu chết trên các chuyến xe container sẽ còn tiếp diễn, do những khó khăn trong việc đối phó với các mạng lưới đưa người vượt biên và sự thiếu phối hợp giữa các nước châu Âu. Báo Telegraph của Anh dẫn nguồn tin từ Francis Adyns, nhân viên hải quan cảng Zeebrugge của Bỉ thừa nhận, việc kiểm tra rất hạn chế và hải quan cảng này chỉ kiểm tra 1 trong 400 chứng từ container.

Thừa nhận được đưa ra sau vụ phát hiện thi thể 39 người bị chết trong một thùng container đông lạnh hoàn toàn không bị can thiệp trong hành trình đi từ cảng ở Bỉ đến Anh. Trước đó,  David Bolt -  Thanh tra biên giới của Vương quốc Anh và của Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA) đã cảnh báo, những kẻ buôn người luôn nhắm đến cảng Zeebrugge và các cảng nhỏ hơn của Anh như Purfleet - nơi tập kết các container đông lạnh bị nghi ngờ chứa người nhập cư. 

Báo Le Figaro dẫn báo cáo năm 2016 của Europol nhận định, trên 90% các vụ nhập cư lậu là nhờ đến các mạng lưới đưa người vượt biên trong một phần hoặc toàn bộ cuộc hành trình của họ, thậm chí cảnh sát Pháp cho rằng, tỷ lệ này lên đến 100%. Đó là những đường dây có tổ chức chặt chẽ, biết thích ứng theo nhu cầu của khách cũng như lực lượng an ninh được huy động. Các tuyến đường chính đi vào châu Âu hầu hết đến bằng đường bộ, một số qua Đại Tây Dương. Con đường trung tâm nối Libya và Tunisia với Malta và Italy, rất dài, được hoạt động tích cực nhất trong năm 2016 - 2017 nhưng nay đã giảm nhiều. Tuyến đường phía Tây giữa Morocco và Tây Ban Nha thì rất nhộn nhịp. Trên 17.000 người đã đến được Andalousie (Nam Tây Ban Nha) trong năm 2019, đa số di dân đến từ Tây Phi hoặc Đông Phi. Tuyến phía Đông có điểm đến đầu tiên là Hy Lạp, gần 40.000 người đã đến nơi trong năm nay. Ngoài ra, còn có những tuyến đường khác đi xuyên qua Nga, Ukraine để đến Trung Âu, hoặc trực tiếp đến Bắc Âu, nhưng ít phổ biến. Những tuyến đường đưa người vượt biên còn được mafia sử dụng cho những hoạt động bất hợp pháp khác như buôn ma túy. 

Bất chấp tính mạng

Truyền thông Anh cho rằng đây là một vụ buôn người hơn là di cư kinh tế. Tờ Telegraph nghi ngờ chính băng “Đầu rắn” của Trung Quốc đứng sau vụ việc. Đây là băng đảng được cho là chuyên thu tiền để đưa người sang Anh, sau đó cưỡng ép họ lao động để trả nợ. Các nạn nhân thường là những người mong muốn sang phương Tây để đổi đời. Trong khi cảnh sát Anh vẫn còn đang thu thập thông tin và chứng cứ để có bức tranh đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 39 người ở Essex, thì nhiều nguồn tin cho rằng băng đảng này thiệt hại hơn 1 triệu USD. 

Tuy nhiên, gốc rễ nuôi dưỡng những đường dây buôn người này cũng chính từ thái độ bất chấp tính mạng của người di cư. Kết quả nghiên cứu mới nhất của LHQ công bố ngày 21-10 cho thấy, có tới 93% người châu Phi đã di cư đến các nước châu Âu qua các con đường không chính thức cho biết nếu được làm lại họ sẽ vẫn làm như vậy, bất chấp những nguy hiểm đe dọa mạng sống của họ. Kết quả khảo sát cho thấy tìm việc làm không phải động lực duy nhất đối với những người di cư, bởi không phải tất cả họ là những người nghèo hay ít học ở châu Phi. Có tới 2/3 những người được phỏng vấn cho biết thu nhập, kể cả viễn cảnh thu nhập tốt hơn ở nước họ, cũng không thể khiến họ từ bỏ ý định rời quê hương. Nhiều người di cư được phỏng vấn đã cho biết họ lựa chọn ra đi vì tương lai gia đình và con cái.

Tin cùng chuyên mục