Thiếu hụt lao động phổ thông

Từ ngày 28-10, nhiều cửa hàng, quán ăn ở TPHCM đã phục vụ tại chỗ trở lại; tuy nhiên, đa phần vẫn hoạt động cầm chừng vì thiếu nhân viên. Một số hàng quán, cơ sở kinh doanh dán thông báo, rao quảng cáo tuyển dụng người lao động (NLĐ) thời vụ, hoặc làm theo ca với mức lương khá cao.
Nhiều hàng quán ăn uống tại TPHCM lo lắng thiếu hụt nguồn lao động khi bắt đầu mở bán tại chỗ
Nhiều hàng quán ăn uống tại TPHCM lo lắng thiếu hụt nguồn lao động khi bắt đầu mở bán tại chỗ

Khó tuyển dụng 

Rảo qua nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, dễ dàng bắt gặp hàng loạt biển hiệu, tờ rơi quảng cáo tuyển nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, thợ phụ… dán trước các hàng quán ăn uống, cơ sở kinh doanh. Đa phần đều rao tuyển dụng nhân viên làm việc theo ca, bán thời gian với mức lương tính theo giờ hoặc cố định, dao động 4-6 triệu đồng/tháng. 

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ quán cơm trên đường Nơ Trang Long (đoạn gần Bệnh viện Ung bướu), quận Bình Thạnh, cho biết, đã dán bảng thông báo tìm nhân viên phục vụ làm theo ca từ đầu tháng 10 với chế độ lương cao và miễn phí cơm trưa, nhưng gần một tháng qua vẫn chưa có ai đến ứng tuyển. “Được mở bán tại chỗ thì chúng tôi rất vui, tuy nhiên hơn 90% nhân viên của quán hiện vẫn đang ở các tỉnh, chưa vào lại TPHCM. Để hoạt động ổn định, cần ít nhất 40% nhân viên phục vụ. Hiện nay, việc tuyển nhân viên làm theo ca, bán thời gian rất khó khăn, đa phần NLĐ phổ thông đều trở về quê, sinh viên các trường cũng chưa vào nhập học. Do vậy, tôi rất lo lắng nếu chưa tìm được nhân viên phục vụ trong thời gian tới”, anh Hải băn khoăn. 

Anh Đặng Xuân Sơn, chủ quán cơm Sơn ở số 17, đường Giải Phóng, quận Tân Bình cũng treo bảng tìm nhân viên phụ quán nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý. “Các nhân viên cũ của quán về quê nghỉ dịch và không vào lại TPHCM, nên tôi phải kiếm người phụ quán để bắt đầu mở bán tại chỗ. Mặc dù quán có nhiều chế độ hỗ trợ cho NLĐ như bao cơm trưa, hỗ trợ chỗ ở, thưởng thêm tiền vào các dịp lễ, tết nhưng chưa có người đến đăng ký làm việc”, anh Sơn nói. Tương tự, quán cà phê Milano ở hẻm 908 đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) tuyển dụng nữ nhân viên phục vụ, làm theo ca. Theo chủ quán, dù đã treo biển thông báo tuyển dụng mấy ngày qua nhưng chưa có người liên hệ xin làm việc.

Không chỉ cần người phục vụ cửa hàng, quán ăn mà nhiều hoạt động khác cũng đang rất “khát” lao động phổ thông như thợ hồ, thợ sơn, giúp việc, trông trẻ... Chị Võ Thị Yến, sống tại chung cư Vinhome (quận Bình Thạnh), cho hay: “Hơn một tuần qua, tôi ráo riết tìm người phụ dọn dẹp nhà theo giờ, với mức lương hơn 40.000 đồng/giờ nhưng vẫn chưa tìm được. Một số người giúp việc nhà theo giờ thường xuyên trước đây đã nghỉ làm, về quê tránh dịch và hiện vẫn chưa vào lại. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, toàn thời gian nên gần 2 tuần qua nhà cửa đang rất rối bời”.

Nên có chế độ đãi ngộ phù hợp 

Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm ngàn lao động tự do mất việc làm, thất nghiệp, rời bỏ thành phố về quê tránh dịch. Khi TPHCM bước sang giai đoạn “bình thường mới”, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh trên địa bàn thiếu hụt nguồn lao động bán thời gian, lao động thời vụ nghiêm trọng. Nhiều nơi chấp nhận chi trả mức lương cao, thậm chí miễn phí ăn uống và bao luôn chỗ ở nhưng vẫn khó tìm người vừa ý. Một số chủ cửa hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TPHCM nhận định, việc tuyển nhân viên thời vụ, bán thời gian thời điểm hiện nay rất khó khăn, bởi đa phần NLĐ tự do vẫn chưa quay lại thành phố vì trắc trở trong việc di chuyển, nhiều địa phương chưa được phủ vaccine, hoặc lo lắng thiếu chỗ ở tạm thời. 

Bên cạnh đó, một số NLĐ có xu hướng chuyển đổi công việc để mong sớm ổn định, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Ngoài ra, đối tượng NLĐ tự do, lao động thời vụ hầu như không được hưởng các quyền lợi và chế độ như đóng BHXH, thưởng các dịp lễ, tết... nên rất khó thu hút lượng lao động này quay trở lại tiếp tục gắn bó làm việc lâu dài. Chị Võ Thị Tiền, ngụ đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú (từng là nhân viên phục vụ ở một quán nhậu trên đường Âu Cơ), cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, quán nhậu vẫn chưa mở bán nên chị quyết định nghỉ làm, chuyển công việc mới để sớm ổn định. “Hiện tại, tôi đã xin được vào một xí nghiệp may mặc trên địa bàn quận Bình Tân và dự kiến đi làm vào đầu tuần sau, chị Tiền nói.

Gần một tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM tiếp nhận rất nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tuyển dụng lao động phổ thông với chế độ lương cao, hấp dẫn. Có nhiều đơn vị tuyển dụng với số lượng không giới hạn, hoặc làm theo ca, mức lương dao động 15.000-25.000 đồng/giờ, thậm chí có đơn vị trả mức lương 30.000 đồng/giờ. Nhiều đơn vị sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ được đi làm ngay. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút lực lượng lao động quay trở lại.

Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM, tính đến thời điểm này đã có 210.000/288.000 công nhân trở lại làm việc. Khoảng 95% doanh nghiệp đã tái sản xuất. Để đảm bảo sản xuất an toàn, an toàn đến đâu sản xuất đến đó, từ ngày 1-10 đến nay, các nhà máy, xí nghiệp chưa tăng hết công suất hoạt động. Tuy không sử dụng hết lực lượng lao động hiện có nhưng nhiều doanh nghiệp đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục