Thiếu giám sát để doanh nghiệp khai thác trắng gần 3ha rừng phòng hộ

Hợp đồng với 1 công ty lâm nghiệp để khai thác rừng trồng, tuy nhiên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh (trực thuộc UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) lại thiếu giám sát để doanh nghiệp này khai thác trắng gần 3ha rừng đang có chức năng phòng hộ.

Chiều 30-11, trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ hơn 2,7ha rừng keo có chức năng phòng hộ tại tiểu khu 347A, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) bị tàn phá.

Khu vực rừng tại tiểu khu 347A nơi xảy ra sự việc rừng phòng hộ bị khai thác trắng
Tại hiện trường, cây rừng có đường kính lớn, tuổi từ 15 - 17 năm có chức năng phòng hộ bị cưa hạ bật gốc la liệt

Theo vị lãnh đạo này, diện tích rừng bị tàn phá thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh quản lý. Trước đó, đơn vị này đã ký hợp đồng khai thác rừng trồng đối với Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng (Công ty lâm nghiệp Quyên Thắng). Tuy nhiên, công ty này đã khai thác không đúng vị trí theo hồ sơ thiết kế, mà khai thác xâm lấn vào nhiều diện tích rừng có chức năng phòng hộ.

“Hiện, Công an huyện đang điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định. Khi có kết luận của công an thì huyện sẽ có thông tin cụ thể cho báo chí”, lãnh đạo này thông tin thêm.

Trước đó, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đã có báo cáo về vụ việc trên. Theo ông Tây, diện tích rừng bị khai thác là 2,71ha, thuộc rừng keo tràm có tuổi 15 - 17 năm tuổi (trồng từ năm 2007) thuộc chức năng rừng phòng hộ.

Gốc cây đường kính lớn, tuổi từ 15 - 17 năm bị cưa hạ sát cội
Trong đó, rừng bị phá ở các lô s (khoảnh 3) b, c2, e2 (khoảnh 5), tiểu khu 347A, xã Canh Hiệp. Cụ thể, tại lô s có 0,43ha rừng keo 15 năm tuổi bị tàn phá, khai thác thuộc rừng trồng theo dự án 661 giao khoán cho các hộ dân quản lý, bảo vệ và hưởng lợi.

Tại các lô b, c2, e2 (khoảnh 5) có 2,38ha rừng keo 17 năm tuổi bị tàn phá, khai thác. Rừng này thuộc dự án 661 do Công ty Lâm nghiệp Hà Thanh bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh từ năm 2007, chức năng rừng phòng hộ.

Tại hiện trường, gốc cây có đường kính từ 20 – 35cm bị khai thác, cắt hạ cội phân bố chủ yếu xen kẽ giữa các băng rừng đã được khai thác trồng lại từ năm 2017…

Theo ông Tây, diện tích rừng có chức năng phòng hộ trên bị khai thác do Công ty Lâm nghiệp Quyên Thắng khai thác sai với thiết kế.

Cụ thể, trước đó, tháng 10-2020, đơn vị ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng sản xuất năm 2020 với tổng diện tích 62,50ha, thời hạn hợp đồng đến 30-6-2021.

Một gốc cây tuổi 17 năm bị cưa hạ tại tiểu khu 347A
Đến ngày 25-6-2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng đề nghị gia hạn hợp đồng đến hết ngày 30-9-2021 và được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đồng ý, chấp thuận. Tuy nhiên, đến ngày 20-8-2021, khi Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng khai thác xong hợp đồng thì Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh kiểm tra phát hiện một số diện tích rừng trồng kế cận (2,71ha rừng có chức năng phòng hộ) bị khai thác nằm ngoài so với hồ sơ thiết kế theo hợp đồng đã ký kết trước đó.

Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hợp đồng khai thác giữa chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh với công ty khai thác. Vì vậy, khi xin chủ trương đồng ý từ UBND tỉnh Bình Định, chủ rừng tổ chức bán đấu giá, yêu cầu khai thác rừng trồng và theo dõi, giám sát theo đúng thiết kế phê duyệt. 

Tin cùng chuyên mục