Người than, người hài lòng
Nhiều phụ huynh than thở, con mới học lớp 1 được 3 tuần nhưng không ngày nào cô không nhắn tin báo cháu viết chậm, đọc chậm. “Mới học có 3 tuần mà cô đòi con phải đọc trơn tru cả câu luôn chứ không được đánh vần. Viết thì phải thẳng, đẹp, không nghiêng vẹo, lại còn là viết chữ hoa. Gia đình tôi nghe theo khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, không cho con học trước lớp 1 nên bây giờ cháu phải ngày ngày đánh vật sách vở cùng mẹ. Giáo viên bảo năm nay chương trình cải cách như vậy, cô trò đều khổ”, chị Trần Thị Kim Oanh, phụ huynh có con học trường tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết.
Tương tự, một số phụ huynh than, ở tuần thứ 4, các con đã phải đọc cả đoạn văn và hiểu cả đoạn văn để trả lời câu hỏi; như vậy là quá năng lực, khiến con học hành vất vả và sợ đi học. Đó là chưa kể mỗi ngày các con phải tập viết 1-2 trang, rồi còn phải biết đặt câu. Một số giáo viên lại nhận xét, SGK Tiếng Việt mới không có sự logic (chữ cái chưa học hết đã học các tiếng khó nghe như ng, ngh, qu, ph...), đòi hỏi tư duy quá cao so với lứa tuổi. Tuần đầu con mới học a, b, c..., mà tới tuần thứ 3 đã phải học hết các chữ khó như gh, ng, kh... và phải viết 2 dòng chữ không có dấu.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thấy việc học của con là nặng nề. Chị Đinh Ánh Tuyết (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con chị cũng thích SGK lớp 1 mới. “Lúc vừa tiếp xúc quyển sách, cháu có vẻ chưa quen nên hơi vất vả nhưng sau đó thì vô cùng trơn tru. Cháu làm quen nhanh với các vần, sau này nhìn vào có thể tự ghép âm mà không cần hướng dẫn. Trước đây, với SGK cũ, việc xếp vần rất khiên cưỡng: a xong phải tới ă, â... rồi mới tới b theo bảng chữ cái, trong khi về cơ bản các âm đó không liên quan gì nhau, muốn ghép vào thành một câu hoàn chỉnh cũng không được. Sách mới thì sau khúc đầu làm quen, trẻ sẽ bắt nhịp khá nhanh vì cách xếp vần, xếp âm thực tế hơn, không khuôn khổ bắt buộc theo trình tự a, ă, â, b, c... như trước nữa”, chị Tuyết nhận xét.
Tại Cà Mau, cô Hồng Thị Mừng, giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Thị Kim Liên (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), chia sẻ: “Ban đầu cũng lo khó tiếp cận được với sự thay đổi. Nhưng sau khi tập huấn, tôi đã chuẩn bị tinh thần tiếp thu sự thay đổi. Ngoài ra còn trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp và thống nhất trong khối. Chương trình SGK mới tuy có thay đổi nhưng cũng dựa trên nền tảng cũ. Đi vào nội dung chương trình hơn 2 tuần, học sinh rất thích, trường cũng đã họp phụ huynh thống nhất cách dạy con em ở nhà”.
Nặng hay nhẹ phụ thuộc giáo viên
Trước các ý kiến tranh luận, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng, chương trình lớp 1 được triển khai chưa đầy 1 tháng, chưa có căn cứ để đánh giá là “nặng”. Bộ GD-ĐT cũng chưa nhận được phản ánh chính thức từ cơ sở giáo dục, giáo viên, nhà khoa học. Theo ông, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng. Với môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ 1 phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Các SGK Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp nhằm đi đến cái đích đó. “So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn”, ông Thái Văn Tài đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài thừa nhận, chương trình mới có điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác. Do đó, dù kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành, nhưng môn Tiếng Việt lớp 1 đã tăng thời lượng lên 420 tiết (chương trình hiện hành là 350 tiết), trong khi Toán chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1. “Bộ GD-ĐT đã trao quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định chuẩn đầu ra, thời lượng môn học, SGK tạo đường hướng cho giáo viên để đạt chuẩn đâu ra đó. Vì vậy, giáo viên phải phân tích chương trình, SGK để xây dựng kế hoạch dạy học làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra... Chương trình mới nói chung và chương trình lớp 1 nói riêng được thiết kế mở. Vì thế, ngay trong quá trình thực hiện, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động thực hiện linh hoạt, chỉ cần đảm bảo yêu cầu cần đạt của môn học. Những điểm bất hợp lý thuộc về chương trình, SGK có thể có ý kiến, góp ý. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu, lắng nghe và có điều chỉnh, bổ sung hợp lý”, ông Thái Văn Tài cho biết.
* GS NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới |
Tin cùng chuyên mục

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tân Chủ tịch hội đồng trường

Thí sinh phấn khởi sau giờ làm bài khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Hơn 3.500 thí sinh tham gia khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Không thu phí dự thi tốt nghiệp THPT 2022

TPHCM: Thí sinh tự tin trước giờ tham gia khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 sẽ tăng nhẹ

Sản phẩm từ cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên trường nghề được xuất khẩu sang Mỹ

TPHCM: Thí sinh nộp đơn phúc khảo tuyển sinh lớp 10 trước 16 giờ ngày 27-6

TPHCM: Môn tiếng Anh có số lượng bài thi điểm 10 cao nhất kỳ thi tuyển sinh lớp 10
