Thiệt hại tăng nhanh, khẩn trương di dân, không để đói rét

Theo báo cáo tổng hợp từ văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các tỉnh nằm trong tâm lũ Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai… đến chiều 26-6 cơn lũ đã làm 30 người chết và mất tích, 12 người bị thương; tuy nhiên, thiệt hại vẫn chưa dừng lại. 
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại tâm lũ Lai Châu để chỉ đạo các giải pháp ứng phó mưa lũ, hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn. 
Khắc phục sạt lở, giải phóng xe cộ mắc kẹt Ngoài số người dân thiệt mạng và mất tích, nặng nề nhất hiện nay là các huyết mạch giao thông nối với các tỉnh Tây Bắc bị chia cắt, cô lập do sạt lở, lũ cuốn tan hoang. Theo ông Phạm Ngọc Phương, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh này có 7 tuyến quốc lộ đi qua nhưng việc lưu thông rất nan giải do mưa lũ, trong đó bị sạt lở nặng nề nhất là các tuyến quốc lộ 4D, quốc lộ 32, quốc lộ 12, quốc lộ 4H và 279. Trong đó, quốc lộ 32 (từ Lai Châu về Yên Bái) có nhiều điểm bị lũ cuốn bay cả mặt đường, nền đường, khoét hố sâu hàng chục mét. Hàng trăm xe cộ bị mắc kẹt dọc các cung đường, không thể di chuyển vì nước ngập, đá rơi, đường đứt đoạn. Suốt 2 ngày qua, lực lượng chức năng ở Lai Châu đã tập trung toàn bộ máy móc, nhân lực để hàn gắn các huyết mạch. Đến chiều 26-6, một số cung đường chính đã được cấp tập khắc phục, hoặc xử lý tạm thời để xe máy, xe con qua lại, giải phóng các phương tiện giao thông bị mắc kẹt trên quốc lộ 32 Yên Bái - Lai Châu, quốc lộ 4D từ Lai Châu đi Sa Pa (Lào Cai)... Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và quân đội đang tập trung phân luồng và khắc phục tại các điểm sạt lở để các phương tiện có thể di chuyển thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nhiều địa điểm sạt lở vẫn chưa thể khắc phục ngay, xe tải lớn vẫn chưa thể vượt qua điểm sạt trượt. 
Thiệt hại tăng nhanh, khẩn trương di dân, không để đói rét ảnh 1 Nhiều cung đường tại Lai Châu vẫn bị sạt lở, đất đá vùi lắp, chưa thể thông xe
 Còn theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến ngày 26-6 về cơ bản các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Tây Bắc đã được khắc phục tạm thời thông xe. Hiện còn tuyến quốc lộ 12 vẫn bị ách tắc do đá rơi, sạt lở nặng nề ở 3 địa điểm; quốc lộ 4H tại cầu Hua Bum (Nậm Nhùn - Lai Châu) bị đứt đường dẫn đầu cầu dài 35m, hiện tại vẫn đang sửa chữa, dự kiến đến ngày 27-6 mới thông xe.
Những ngày vừa qua, tại tỉnh Hà Giang đã bị sạt nhiều vị trí dọc quốc lộ 4C và 34 với khối lượng khoảng 3.300m³, nhưng đã thông xe vào tối 26-6. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, quốc lộ 4D đã bị sạt tới 10.000m³, còn quốc lộ 12 bị sạt lở tới 16.000m3, gây tắc đường, chưa thông xe. Tương tự, quốc lộ 279 bị đứt đoạn đường dài 30m tại km162+200, việc khắc phục rất khó khăn nên chưa thể thông xe. Nỗ lực cứu nạn, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống Do số nạn nhân thiệt mạng vẫn đang gia tăng từng ngày trong khi mưa lũ còn rình rập nên ngày 26-6, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công văn gửi các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đề nghị áp dụng giải pháp: sử dụng các đài phát thanh - truyền hình ở các huyện và đài phát thanh các xã để căn cứ tình hình thực tế, phát sóng liên tục bằng tiếng Việt và bằng tiếng dân tộc để thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo phòng tránh thiên tai đến từng người dân nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ. Ngày 26-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có mặt tại tâm lũ Lai Châu, nơi thiệt hại nặng nề nhất, để chỉ đạo các giải pháp ứng phó và khắc phục thiên tai, hỗ trợ nhân dân. Tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), nơi vừa xảy ra sạt lở nặng, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết và mất tích. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay mới là đầu mùa mưa lũ, thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành cùng với địa phương tập trung hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung rà soát những khu vực nguy hiểm để di dân ra vùng an toàn. Đồng thời các lực lượng chức năng phải bằng mọi cách, huy động mọi lực lượng, phương tiện, máy móc để xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo thông xe cho các tuyến đường bị ùn tắc. Triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm người dân bị mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống cho bà con.
42 người chết, mất tích, bị thương

Báo cáo cập nhật từ văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tính đến chiều và tối 26-6 đã có 30 người chết và mất tích do mưa lũ, 12 người bị thương. Trong đó, 19 người bị thiệt mạng gồm: Hà Giang: 5 người chết do sập nhà; Lai Châu: 14 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập. Vẫn còn 11 người mất tích tập trung ở tỉnh Lai Châu do lũ cuốn trôi. Trong số 12 người bị thương, tại Lai Châu: 11 người, tại Sơn La: 1 người.

Các tỉnh cũng cho biết có 124 nhà bị lũ cuốn trôi, 597 nhà bị hư hỏng, phải di dời khẩn cấp; 1.500 nhà bị ngập. Gần 1.200ha lúa và hoa màu cùng hơn 5.000 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về kinh tế đến chiều 26-6 ước khoảng 443,8 tỷ đồng (trong đó Hà Giang: 122 tỷ đồng, Lai Châu: 300 tỷ đồng; còn lại là tại các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, mưa lũ đã làm nhiều nơi bị mất điện. Đến chiều 26-6, điện lưới đã được kết nối trở lại.  

Tin cùng chuyên mục