Thích ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng của người Việt

Đại dịch đã tác động mạnh tới xu hướng tiêu dùng của người Việt khi họ yêu cầu chất lượng hàng hóa cao hơn, tìm kiếm nhiều hơn với những sản phẩm quà tặng miễn phí và giảm giá trực tiếp. Vì thế, các chuyên gia cho rằng nhà bán lẻ và nhà sản xuất cần chú ý những thay đổi này để lập kế hoạch kinh doanh phù hợp. 

Theo báo cáo nghiên cứu vừa được công bố của của Công ty Nielsen, làn sóng dịch thứ 3 vừa xuất hiện, tới nay Chính phủ vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh và chỉ ở những địa phương tâm dịch mới áp dụng giãn cách xã hội. Do kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực này đã dẫn đến mất việc làm và gia tăng người tiêu dùng (NTD) chi tiêu khó khăn. Chính vì thế, NTD sẽ cân nhắc chi tiêu và sẽ tìm mua nhiều hơn đối với những sản phẩm có kèm quà tặng miễn phí hoặc giảm giá trực tiếp. 

Hàng Việt tăng khuyến mãi để thu hút khách hàng
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, NTD chi tiêu khó khăn sẽ hướng tới những mặt hàng có kích thước đóng gói nhỏ, tiết kiệm cùng với các chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn, trong khi đó NTD tiết chế sẽ chọn những mặt hàng cao cấp để tận hưởng Tết Tân Sửu trọn vẹn hơn. Điều này tạo ra cơ hội hiếm hoi cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phục vụ người mua sắm ở cả 2 phân khúc.

Trên thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng như nhà bán lẻ đã có sự thích ứng trong việc đưa ra những phương án kinh doanh phù hợp. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như Vissan, Ba Huân, Tân Quang Minh, Phúc Sinh… cùng các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, Vinmart… đã có những điều chỉnh kinh doanh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh. Ở mảng sản xuất, khi thực phẩm tươi sống bán chậm, Vissan đã nhanh chóng chuyển đổi qua sản xuất hàng chế biến có hạn sử dụng dài ngày. Doanh nghiệp này cũng thích ứng với xu hướng số hóa khi kịp thời đưa vào vận hành trang bán hàng trực tuyến vissanmart.com. 

Lãnh đạo Vissan cho biết, thông qua trang bán hàng này, khách hàng có thể thực hiện thao tác mua hàng đơn giản ngay cả khi ngồi tại nhà. Các tính năng giao nhận hàng linh hoạt, mang tính tiện nghi cao, NTD chủ động chọn khung giờ thích hợp để nhận hàng. Đặc biệt, đối với các sản phẩm tươi sống, Vissanmart đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng vẫn đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ bảo quản mát và lưu giữ được sự tươi ngon của sản phẩm. 

Ở mảng bán lẻ, Saigon Co.op được đánh giá là một điển hình bởi trong năm 2020 đã ứng phó nhanh với xu hướng thay đổi của NTD trong mua sắm. Sự thay đổi này triển khai suôn sẻ nhờ việc áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0 triển khai một cách mạnh mẽ tại Saigon Co.op như: thanh toán không tiền mặt, giao dịch không tiếp xúc, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng điện toán đám mây... Bên cạnh đó, Saigon Co.op luôn khẳng định là đơn vị tiên phong thực hiện có hiệu quả, góp phần định hướng tiêu dùng, kết nối lưu thông hàng hóa theo các xu thế hiện đại như: tiêu dùng thông minh, tiêu dùng sạch, tiêu dùng và sản xuất xanh, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đóng góp tích cực cho an sinh xã hội.

Đặc biệt, giai đoạn Tết Tân Sửu, Saigon Co.op nhận định mùa tết năm nay có nhiều thay đổi so với các năm trước bởi dịch bệnh tác động đến công ăn việc làm khiến NTD tìm đến những sản phẩm đáng đồng tiền hơn. “Saigon Co.op đã chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi tết sớm qua việc chia thành nhiều đợt khác nhau để kích cầu tiêu dùng. Theo đó những mặt hàng hóa phẩm, chất tẩy rửa, chăm sóc cá nhân được giảm giá sớm và những ngày cận tết người dân chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt mua các món chế biến sẵn. Việc này nhằm thiết thực chia sẻ những khó khăn của người dân do Covid-19, thiên tai, bão lũ gây nên”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ. 

Cũng theo ông Đức, năm 2021 Saigon Co.op tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để thích ứng với những thay đổi của thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đồng thời các cán bộ, nhân viên Saigon Co.op sẽ tăng cường hơn các hoạt động kết nối với các tỉnh thành, địa phương trên cả nước, thậm chí nước ngoài. Mục đích nhằm đảm bảo đưa hàng Việt tiếp tục trở thành trụ cột và cùng vươn lên trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào, Saigon Co.op sẽ đảm bảo giữ vững được bản chất vốn có của mô hình hợp tác xã mà nhà bán lẻ này theo đuổi hàng chục năm qua. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh dù mang đến những tác động tiêu cực nhưng cũng tạo động lực để doanh nghiệp Việt có những thay đổi phù hợp hơn với thời cuộc. Từ đó giúp họ tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng và sẵn sàng đương đầu trước làn sóng hội nhập gia tăng thời gian tới.

Theo Nielsen Việt Nam, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết đoàn viên và là lễ hội lớn nhất Việt Nam. Thời điểm này trong năm, người lao động trở về quê hương để đón tết cùng gia đình và bạn bè. Đây cũng là lễ hội điển hình trong lịch hoạt động của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam, khi doanh số FMCG tăng cao 12%-15% so với thời điểm không có lễ hội và chiếm gần 20% tổng doanh số FMCG diễn ra trong thời gian tết. Các mặt hàng phổ biến trong dịp tết thường là đồ uống, bia, bánh quy và bánh nướng, đồ ăn nhẹ và cà phê, mức tăng trưởng sản lượng từ 10%-50%. Chính vì thế, từ giữa năm các nhà sản xuất, bán lẻ những mặt hàng này đã có phương án sản xuất và dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng hơn trong dịp tết của người Việt. 

Tin cùng chuyên mục