Thích ứng để phát triển

Chuẩn bị các báo cáo về tinh hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến các chỉ tiêu phát triển năm 2020 trình phiên họp Quốc hội sắp tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức cuộc họp thẩm tra, nhận định: 2019 là năm thứ hai nước ta hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đáng lưu ý là chỉ số CPI năm nay dự kiến chỉ tăng 2,7%-3% (chỉ tiêu Quốc hội đặt ra 4%) và xuất siêu ước tính 0,4% trong khi mục tiêu đặt ra là nhập siêu dưới 3%...

Điểm nổi bật khác trong điều hành kinh tế năm nay là giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước phát huy… Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, với những diễn biến thuận lợi nêu trên, nhiều khả năng GDP năm nay không phải đạt 6,8% như chỉ tiêu đề ra, mà có thể tăng trên 7%.

Dù lạc quan trước kết quả đạt được, nhưng trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp; khả năng chống chịu, thích ứng từ tác động bên ngoài còn hạn chế; tiến độ thực hiện đầu tư công chậm chạp, vướng mắc; năng lực và hiệu quả sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp…, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu năm sau: GDP 6,8%, CPI tăng dưới 4%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%... Từ số liệu trên, có thể thấy kế hoạch năm 2020 ta vẫn ở trong thế “co thủ”. Tại nhiều cuộc hội thảo gần đây góp ý về việc phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới, giới chuyên gia đã nêu vấn đề: Vì sao GDP Việt Nam năm nào cũng đứng vào danh sách các nước tăng trưởng cao; hiệu quả đầu tư liên tục được cải thiện (chỉ số ICOR giảm dần từng năm); năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng đều…, nhưng chúng ta vẫn cứ nhận định rằng đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, chưa rút ngắn được khoảng cách phát triển so với các nước trong nội khối?

Về việc này, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nêu nhận xét: Việt Nam đã thu hút FDI thành công, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn tụt hậu; xuất khẩu phần lớn do các công ty đa quốc gia thực hiện. Thực tế chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn Thái Lan (30%), Malaysia (46%); tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam sau hơn 30 năm thu hút FDI chỉ mới đạt 30%; nghĩa là chỉ “thu được tiền lẻ” trong bức tranh sản xuất - xuất khẩu! 

Ngoài các điểm yếu cố hữu được nhìn nhận, trong nền kinh tế số phát triển vũ bão trên toàn cầu, vấn đề đặt ra là nước ta cần sự thích ứng để sánh vai cùng phát triển vào nền kinh tế toàn cầu. Từ khảo nghiệm bên ngoài, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nước ta còn thấp, đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Nguyên nhân là do thể chế các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa hình thành đồng bộ; thấy “lạ” thì e dè hoặc không cho phép thực hiện, và chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để ứng dụng, phát triển các công nghệ nền tảng 4.0… Có thể nói, nếu không có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, xem đây là bước đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, thì chúng ta sẽ mãi mắc kẹt trong tốp thấp về phát triển - sáng tạo.

Mục tiêu xuyên suốt của nước ta là hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Và để thực hiện được điều đó, gia tăng vị thế - uy tín quốc gia, đội ngũ doanh nghiệp trong nước giữ vai trò rất quan trọng. Trong bối cảnh mới, để đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình, xây dựng quốc gia hùng cường, càng cần lực lượng xung kích mới, đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo. Mệnh lệnh của thực tế cuộc sống hiện nay không chỉ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp - doanh nhân phát triển, mà còn đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, nâng chất doanh nghiệp Việt theo hướng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục