Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cảnh báo rủi ro cao!

Trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cảnh báo là “3 không”: không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành, thế nhưng vẫn đang thu hút nhiều cá nhân đầu tư với số tiền lớn. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ trong 3 quý, tổng vốn doanh nghiệp huy động qua kênh phát hành trái phiếu lên đến hơn 179.000 tỷ đồng.

Nguyên do, mức lãi khá cao và có sự hỗ trợ của chính các nhân viên ngân hàng kêu gọi khách hàng có tiền gửi tiết kiệm tham gia thị trường để hưởng lãi suất cao, nhưng lại không hề giải thích rủi ro cho khách hàng.

Nhiều chiêu dụ khách hàng

Thị trường trái phiếu đang nhộn nhịp kẻ bán, người mua, trong đó âm thầm là các ngân hàng - thường là đơn vị có dòng vốn liên kết với các công ty - đứng phía sau. Một khách hàng kể, khi chị mang tiền đến gửi tại ngân hàng thương mại cổ phần T., nhân viên đã giới thiệu chị mua trái phiếu doanh nghiệp V với lãi suất “hot”, hơn gấp đôi lãi ngân hàng. Nhân viên ngân hàng cho biết, thủ tục đơn giản, khách hàng có thể quan sát dòng tiền của mình qua mạng, lãi suất hấp dẫn…

Thế nhưng, theo một chuyên gia tài chính, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sân chơi của những người không chuyên, có thể họ đầu tư có lãi đó, nhưng nếu theo sẽ đến một lúc không rút kịp thì nguy cơ mất rất cao. Phải hiểu nguyên tắc lợi nhuận cao thì rủi ro lớn, vì doanh nghiệp cần tiền nên tự phát hành trái phiếu, trả lãi suất cao, thì rủi ro càng cao.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều thương vụ không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Những nhà đầu tư cá nhân không chuyên sẽ dễ bị dụ dỗ bởi nhân viên môi giới và đôi khi chính các nhân viên được bơm tiền mua bán lẫn nhau để đẩy giá, đến khi khách hàng ngu ngơ vào mua là dính bẫy.

Dẫu có nhiều cảnh báo về rủi ro trên thị trường này nhưng gần đây, các giao dịch cá nhân mua bán vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG phát hành được 136 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo với lãi suất 11,5%/năm; hay Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam cũng đã phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 13%/năm và huy động được 10 tỷ đồng (cũng không có tài sản đảm bảo).

Ngoài thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp cũng tự trả lãi cao để phát hành được trái phiếu không có tài sản đảm bảo, như Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 11,5%/năm. Mặc cho Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo rủi ro và yêu cầu các ngân hàng thương mại siết hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, nhưng các cá nhân vẫn bất chấp tham gia thị trường.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khi các doanh nghiệp chạy đua phát hành trái phiếu sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, trong khi các yêu cầu về tài sản đảm bảo không được đặt ra, các công cụ bảo hiểm rủi ro về thị trường xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa được hình thành sẽ tiềm ẩn nợ xấu và ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết lãi suất ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, người tham gia thị trường là cá nhân, hiểu biết hạn chế về bản chất trái phiếu của doanh nghiệp nhưng nghe lãi suất hấp dẫn vẫn lao vào đầu tư thì cần phải cảnh báo sớm. 

Cần sửa đổi nghị định để lành mạnh thị trường

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi nội dung bất cập tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP vì hiện nay quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Do quy định 1 năm là quá ngắn, trong thời gian này “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp có thể đi xuống, mà nhiều nhà đầu tư cá nhân không có khả năng nắm được rủi ro.

Do vậy, cần sửa đổi theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong suốt kỳ hạn của trái phiếu, loại trái phiếu này chỉ được phép mua bán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức với nhau. Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị nên có cơ chế phát triển thị trường xếp hạng định mức tín nhiệm.

Phải quy định điều kiện trái phiếu muốn được phát hành ra thị trường thì phải qua xếp hạng định mức tín nhiệm, để nhà đầu tư hình dung được mức độ rủi ro của sản phẩm trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành một cách có căn cứ đối chiếu với “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp. 

Các quy định về phát hành trái phiếu riêng cũng nên được quy định tại Luật Chứng khoán như các nước, không nên đề xuất trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, vì để trong Luật Doanh nghiệp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có khả năng theo dõi, giám sát các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tin cùng chuyên mục