Thị trường ô tô đầu năm 2018: “Nội” giảm nhẹ, “ngoại” khan hiếm

Những ngày đầu năm 2018, sức mua thị trường ô tô không có nhiều biến động, dù thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.  Một số dòng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tiếp tục giảm nhẹ, trong khi xe nhập khẩu trở nên khan hiếm. 
Xem ô tô tại salon Chevrolet Sài Gòn Ảnh: CTV
Xem ô tô tại salon Chevrolet Sài Gòn Ảnh: CTV
Vừa bước vào những ngày đầu năm, GM Việt Nam “bắn phát pháo” đầu tiên khi công bố giảm giá các dòng xe Chevrolet, áp dụng từ ngày 1-1 với mức giảm từ 15-80 triệu đồng/chiếc.
Trong đó, mẫu ô tô sedan Chevrolet Cruze phiên bản cao cấp LTZ giảm nhiều nhất (80 triệu đồng), xuống còn 619 triệu đồng/chiếc. Nhãn hiệu Chevrolet Cruze phiên bản LT giảm 70 triệu đồng, giá bán chỉ còn 519 triệu đồng/chiếc. Riêng các bản số sàn như Chevrolet Spark Duo LS giảm nhẹ 20 triệu đồng, giá bán ra còn 279 triệu đồng; Chevrolet Colorado giảm 10 triệu đồng...
Ngoài GM Việt Nam công bố giảm giá bán, hầu hết hãng ô tô còn lại như Toyota, Ford, Honda, Nissan, Thaco… gần như “án binh bất động”, tính từ thời điểm ồ ạt giảm giá mạnh vào cuối năm 2017. Theo đại diện các hãng xe này, bảng giá ô tô công bố hiện tại đã được doanh nghiệp tính toán giảm căn cứ theo mức thuế nhập khẩu của khu vực ASEAN từ ngày 1-1.
Do đó, mức giá ô tô của năm 2018 hiện sẽ giữ nguyên, chưa điều chỉnh gì thêm nếu không có chính sách vĩ mô tích cực nào tác động thêm. Dù các hãng ô tô này chưa công bố giá mới, nhưng theo thông lệ đầu năm mới lì xì “lấy hên” nên hầu hết các cửa hàng, đại lý bán ô tô đều chủ động giảm giá trực tiếp cho khách hàng từ 5-10 triệu đồng/chiếc, tùy dòng xe. “Chiếc X-Trail 2.5 của bên đại lý tụi em đã được hãng công bố giảm từ 1,113 tỷ đồng xuống còn 986 triệu đồng/chiếc trong tháng 12-2017.
Đây là mức giá được công bố cho đầu năm 2018, tương ứng khoảng 20% nhằm đón đầu thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm. Do vậy, có một số khách hàng thắc mắc hỏi vì sao thuế nhập khẩu giảm nhưng giá xe không giảm, tụi em phải giải thích lại là hãng đã giảm trước rồi, sau đó mới công bố giá bán như hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại phía đại lý cũng giảm cho khách hàng “lấy hên” đầu năm từ 5-10 triệu đồng/chiếc khi đặt cọc mua xe”, nhân viên tư vấn khách hàng của đại lý Nissan Gò Vấp Phạm Phúc Duy, nói. 
Dù thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm về 0% từ ngày 1-1, nhưng do vướng một số thủ tục quy định tại Nghị định (NĐ) 116/2017/NĐ-CP nên hiện tại các dòng xe này trở nên khan hiếm. Trong đó, có các thương hiệu ô tô nhập khẩu từ ASEAN được người tiêu dùng trông đợi như Ford, Toyota và Honda, nhưng hiện đại diện các hãng này cũng rất mơ hồ về thời điểm khi nào mới có xe về thị trường Việt Nam. Hiện Ford Việt Nam đã yêu cầu các đại lý ngưng nhận đặt hàng 2 mẫu xe Ford Ranger và Explorer vì chưa đủ nguồn cung, đồng thời dự báo tiếp tục khan hiếm trong quý 1-2018. Tương tự, Toyota Việt Nam cũng thông báo nhiều loại xe nhập khẩu đang bị ảnh hưởng, lớn nhất là các mẫu xe Fortuner, Yaris và Wigo, dù nhu cầu của khách hàng đặt dòng nhập khẩu hiện đang cao. Hay một trong những mẫu xe được mong đợi nhất trong năm mới là Honda CRV, bản năm 2018, cũng chưa thể nói trước về thời điểm giao hàng. 
Trước diễn biến trên, các hãng ô tô đã chủ động gửi thông báo tới khách hàng cáo lỗi và cắt đơn hàng trong những tháng đầu năm vì lo ngại không có nguồn cung xe nhập khẩu về do vướng quy định. Trong khi đó, các chuyên gia và giới kinh doanh ô tô nhận định, việc ô tô nhập khẩu khan hiếm do vướng quy định là có thật, nhưng cũng không loại trừ “chiêu bài” của các hãng. Bởi khi ô tô nhập khẩu khan hiếm, các hãng và đại lý ô tô lắp ráp trong nước sẽ tận dụng khoảng trống thị trường để giảm giá, tặng quà nhằm hút khách trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Do đó, trong vài ngày tới thị trường ô tô nội địa sẽ có những đợt giảm giá khuyến mại để kích cầu, đặc biệt đối với các dòng xe bán chậm và sắp lỗi mốt.
Nghị định 116 quy định từ ngày 1-1-2018, chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu xe từ cơ quan quản lý mới được quyền nhập. Đơn vị xử lý và cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu là Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương). Hai điểm của NĐ được cho là vướng mắc với doanh nghiệp nhập khẩu xe là cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, doanh nghiệp không thể tìm được bất kỳ giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe nhập khẩu vào Việt Nam. Và yêu cầu thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu sẽ làm gia tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô. Trong khi đó, mục tiêu của cơ quan quản lý khi ban hành NĐ này với các điều kiện chặt chẽ là nhằm ràng buộc các doanh nghiệp FDI phải kết nối sản xuất linh kiện, nội địa hóa nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam, thay vì biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục