Thị trường mỹ thuật vẫn giữ nhiệt

Mới đây, phiên đấu của Nhà đấu giá nghệ thuật Aguttes tại Paris, Pháp khép lại với kết quả đáng phấn khởi. Buổi đấu giá lần thứ 24 dành riêng cho các họa sĩ châu Á đã được giới thiệu vào ngày 11-3 tại Drouot tuyển chọn 36 tác phẩm có chất lượng cao, 92% trong số đó tham gia vào các bộ sưu tập uy tín. 
Hàng chục tác phẩm tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam đã đấu giá thành công. Một tin vui cho giới mỹ thuật nước nhà, đó là mỹ thuật dường như “miễn nhiễm” với Covid-19.
Thị trường mỹ thuật vẫn giữ nhiệt ảnh 1 Kỹ thuật sơn mài thượng thừa của Alix Aymé với tác phẩm Tắm tiên
Sức hút bất chấp dịch bệnh

Phiên đấu mang tên Peintres d’asie, œuvres majeures - Các họa sĩ châu Á, những tác phẩm quan trọng. Theo thông tin của nhà Aguttes, tổng giá trị giao dịch toàn phiên đạt hơn 1,4 triệu EUR, kết quả được chào đón không những bởi nhiều người mua có mặt trong phòng đấu trực tiếp mà còn qua điện thoại và trên Internet. 

Tiêu điểm toàn phiên phải nhắc đến lô thứ 12 - tác phẩm tuyệt vời của danh họa Mai Trung Thứ - là một bức trong bộ ba tác phẩm Joie de Vivre II - Niềm vui sống của ông. Bức tranh này có xuất xứ thuộc một bộ sưu tập tư nhân ở Pháp. Tranh được mua từ chính họa sĩ và được gìn giữ cho tới bây giờ. Với giá khởi điểm từ 100.000 - 150.000 EUR, Niềm vui sống II (sáng tác năm 1963, 35x95cm, lụa) đã gõ búa thành công mức giá 297.080 EUR. Các nhà sưu tập đã bị quyến rũ bởi bức tranh thể hiện và liên kết thật xuất sắc những trò chơi trẻ em, kích thước lớn cũng như chất lượng tác phẩm. 

Đáng chú ý tại phiên đấu còn có một kiệt tác của Vũ Cao Đàm, bức Tình mẫu tử (lụa, 65x49,5cm) khởi điểm ước đoán 80.000 - 120.000 EUR, đã đấu thành công lên tới 271.560 EUR. Đặc biệt, tác phẩm Baigneuses (tạm dịch: Tắm tiên, sơn mài, 125x200cm, sáng tác khoảng năm 1935 - 1940) của Alix Aymé (giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đã bán giá 156.000 EUR, khá hấp dẫn so với giá dự kiến từ 80.000 - 120.000 EUR. Với khoảng 80 năm tồn tại, chất lượng và kỹ thuật của tuyệt phẩm này là niềm tự hào với nữ họa sĩ được đánh giá là có đóng góp vô cùng quan trọng với nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận định: “Với một tác phẩm có kỹ thuật và thẩm mỹ đến độ thượng thừa như Baigneuses, thì mức 156.000 EUR mới chỉ là khởi động nhẹ, trong tương lai không xa sẽ là câu chuyện của hàng triệu EUR”.

Tại phiên đấu, bộ sưu tập sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, được tập hợp bởi Gérard Quoico, một người Việt sống ở Paris và là một người yêu nghệ thuật, đã tạo nên những khoảnh khắc đấu giá rất đẹp với tổng trị giá 95.030 EUR. Ấn tượng nhất là bức sơn mài 4 tấm Repas à la cour (phong cảnh, 173x224cm, sáng tác năm 1982) của Nguyễn Văn Minh đạt mức giá 20.800 EUR. Ngoài ra, bức lụa Fillette au panier de fleurs (Cô gái bên giỏ hoa, vẽ năm 1936) của Nguyễn Đức Nùng cũng chốt giá 93.600 EUR (tăng giá hơn 300%), đã lập một kỷ lục trên sàn quốc tế cho họa sĩ này. 

Nói về tuyệt tác Niềm vui sống II của danh họa Mai Trung Thứ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhìn nhận: “Quan điểm cá nhân, tôi không thích tranh trẻ em bụ bẫm của Mai Trung Thứ, tuy nhiên tôi không phủ nhận kỹ thuật điêu luyện, bố cục hài hòa và tâm tình chan hòa trong tác phẩm này. Bức tranh gợi cho ta tình thương mến, dậy lên kỷ niệm ấu thơ mà ai cũng đã trải qua, thời vô tư, vô lo, vô sầu. Tranh còn mang đến cho người xem những xúc cảm hồn nhiên, gạn đi những vẩn đục của cuộc đời mang đến và bỗng nhiên thấy mình thanh khiết hơn, trong trẻo hơn. Đây là một thành công rất lớn của họa sĩ”. Ông Charlotte Reynier, đại diện Nhà Aguttes, cho biết sau phiên đấu: “Sự phấn khích của các cuộc đấu giá và kết quả thu được, một lần nữa khẳng định sự thích thú của các nhà sưu tập lớn đối với các buổi đấu giá của Aguttes. Họ nhạy cảm với chất lượng của các tác phẩm được trình bày cũng như nguồn gốc hoàn hảo của chúng”. 

Sôi động phiên đấu online

Theo đánh giá của Tạp chí Mỹ thuật, những sàn đấu giá từ các thị trường danh tiếng bậc nhất thế giới như New York, Paris, London, Hồng Công, Singapore… luôn chờ thời khắc này để bùng nổ, ghi nhận những kỷ lục mới về giá. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã và đang hoành hành dữ dội khắp các châu lục, kinh tế sụt giảm do sức mua giảm sút, tình hình sản xuất ngừng trệ, khiến mọi giao dịch cũng chỉ ở mức cầm chừng. Trong 2 ngày 17 và 18-3, cũng tại Pháp, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và để đảm bảo an toàn, Nhà đấu giá Lynda Trouvé đã phải tổ chức đấu giá online toàn bộ tác phẩm. 

Trước phiên, một số bức tranh của Bùi Xuân Phái được đặc biệt lưu ý. Trong 6 bức tranh của Bùi Xuân Phái được đưa ra đấu trong phiên này, giới sưu tập đặc biệt tin tưởng với bức Village lacustre de Cat Ba (năm 1974, sơn dầu, 56x80cm), đã từng tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, đấu thành công với giá 51.000 EUR (chưa thuế). Sát giá theo sau là bức Ruelle d’un village aux environ de Hanoi được gõ búa với giá 40.000 EUR. Đây là mức giá rất đáng mừng cho Bùi Xuân Phái, bởi lâu nay tranh của ông vốn bị mất niềm tin trên các sàn đấu giá quốc tế do bị làm giả quá nhiều. Bức Rive du fleuve Rouge (năm 1952, sơn mài, 96x127cm), giá ước đấu 12.000 - 15.000 EUR của Trần Phúc Duyên là tác phẩm được gõ búa cao nhất toàn phiên, đạt mức 65.000 EUR. Thực ra, đây chưa phải là một bức tranh xuất sắc nhất của Trần Phúc Duyên và mức giá như trên là một tin vui.

Sự kỳ vọng trong phiên theo dự đoán ban đầu là bức Người gánh lúa của Inguimberty (năm 1935, sơn dầu, 81x116cm). Đây là một bức tranh đẹp, giá ước đấu 50.000 - 80.000 EUR nhưng cuối cùng mức chốt là 50.000 EUR đã khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. 

Bằng cách này hay cách khác, dẫu là mua bán trực tiếp hay online, thị trường mỹ thuật vẫn giữ nhiệt được cho mình, đó là một tín hiệu vui. Từ đây đến tháng 6, nhiều nhà đấu giá nghệ thuật lớn còn hứa hẹn tiếp tục mang đến những bất ngờ.

Tin cùng chuyên mục