Thị trường logistics Việt Nam: Nội lực còn yếu

Ngày 19-10, tại diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường logistics Việt Nam rất tiềm năng khi được xếp hạng thứ 11/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Điều đáng lo ngại là hạ tầng để phát triển ngành này của Việt Nam còn yếu và thiếu. 
Kho hàng tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kho hàng tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhìn nhận về tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, chia sẻ, chỉ dựa vào kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm 2022 đến nay đủ để thấy tiềm năng phát triển ngành logistics rất lớn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tập trung lớn nhất tại thị trường châu Á, chiếm 46,80%, kế đến là châu Mỹ 35,59%, châu Âu 15,09%, còn lại thuộc về các thị trường khác.  

Bên cạnh đó, những hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được Việt Nam ký kết với những đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại nhiều thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics, là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng sau đại dịch Covid-19. Những hiệp định này sẽ là cú hích cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics. 

Thế nhưng, hoạt động logistics Việt Nam còn hạn chế và phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho ngành logistics Việt Nam dễ bị tổn thương và đứt gãy. 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm bớt chi phí logistics. Trên cơ sở đó, VCCI đã hợp tác cùng các đơn vị liên quan khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022 nhằm đem đến một “bức tranh” chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố. Từ đó giúp hoạch định chính sách sẽ phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính; các cơ quan chức năng phải xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và hiệu quả. Mặt khác, thời gian gần đây có sự bùng nổ về thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần thương mại điện tử (e-logistics) phát triển mạnh tại Việt Nam, nên việc xây dựng định hướng phát triển của ngành cũng cần phải phù hợp với xu hướng này.

Tin cùng chuyên mục