Thị trường hàng hóa: Dồi dào, giá ổn định

Sau Tết Canh Tý 2020, các nhà hàng, quán ăn gần như vắng khách bởi ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra, trong khi đó, người dân TP lại tăng cường mua sắm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Trước tình hình này, TPHCM đã triển khai nhiều kế hoạch dự trữ, cân đối cung - cầu hàng hóa và đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường. 
Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Saigon Co.op đã được chuẩn bị nguồn thịt heo an toàn và giá tốt, không lo thiếu hàng
Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Saigon Co.op đã được chuẩn bị nguồn thịt heo an toàn và giá tốt, không lo thiếu hàng

Không có tình trạng “neo giá” sau tết 

Theo ghi nhận của chúng tôi, chưa có năm nào một số mặt hàng có nhu cầu sử dụng nhiều sau tết như trái cây các loại, rau củ quả, thủy hải sản, hoa tươi cắt cành lại có giá bán về ngang mức giá trước tết nhanh như năm nay. Bởi lẽ, những năm trước, phải hết tháng Giêng, giá bán các mặt hàng này mới “giảm nhiệt” hoàn toàn.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho giá bán nhiều mặt hàng ổn định, trong đó lý do quan trọng nhất là hầu hết các lễ hội tại các đền, chùa trên khắp cả nước đã không được tổ chức vì lo ngại bị lây lan dịch Covid-19. Hai là, do một số loại trái cây như thanh long, dưa hấu bị ùn ứ vì không xuất khẩu được sang nước láng giềng nên nhiều hệ thống siêu thị bước vào “giải cứu” với giá bán rất rẻ, kích thích nhu cầu mua sắm để giải phóng nhanh lượng hàng tồn đọng. Trong khi đó, dưa hấu và thanh long là 2 loại trái cây không chỉ dùng để chưng, cúng rất đẹp mà còn có giá trị dinh dưỡng và giải nhiệt cao, giá lại tốt nên được người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ. 

Tương tự, ở nhóm các loại rau củ quả năm nay cũng ổn định vì thời tiết năm nay khá thuận lợi cho việc xuống giống nên hàng nhiều. Ngay cả những mặt hàng như đậu que, dưa leo, khổ qua, bắp cải…, những năm trước giá bán “leo thang” từ trước và kéo dài đến rằm tháng Giêng mới có dấu hiệu giảm thì năm nay đã rơi vào tình trạng “dội chợ, rớt giá” từ đêm 26 tháng Chạp năm Kỷ Hợi. 

Ở nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác như mì ăn liền, bún khô, gạo, nước mắm… ngay sau tết có tin đồn người dân mua gom, dự trữ nhiều vì lo ngại dịch Covid-19 bùng phát. Ngay lập tức, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với Hội Lương thực, thực phẩm TP, các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) về chuẩn bị nguồn hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và các giải pháp cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ người dân khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo đó, các DN báo cáo đều đã có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cung ứng vượt 30%-50% kế hoạch TP và chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu để duy trì cung ứng, vượt kế hoạch đến hết năm 2020, trong đó một số DN cam kết cung ứng vượt kế hoạch đến hết năm 2021. Đồng thời Sở Công thương đã ban hành kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng, các DN sẽ tổ chức các chương trình cung cấp miễn phí các sản phẩm thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay, mục tiêu của kế hoạch nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá gây bức xúc trong dư luận xã hội để người dân an tâm, chủ động phòng chống dịch trên địa bàn TP có hiệu quả, không để lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Tăng kết nối với các tỉnh, thành

Về các giải pháp cân đối cung - cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, trong ngắn hạn, TP tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường. Phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện cung cấp thông tin chính xác tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa... xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Tiếp tục phối hợp với các sở ngành chức năng, đơn vị có liên quan, DN BOTT, DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn triển khai hiệu quả chương trình BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ban hành kèm theo Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 28-3-2019 của UBND TPHCM. 

TP cũng vận động, khuyến khích các DN trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bao gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô …), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả... Cam kết cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Trong tháng 2-2020, các DN sản xuất phối hợp hệ thống phân phối sẽ tổ chức bán hàng giảm giá từ 10%-15%, tùy theo mặt hàng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trong dài hạn, TP chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa. Phối hợp sở công thương các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức thực hiện công tác thông tin thị trường để các DN tổ chức sản xuất hiệu quả, chăn nuôi, trồng trọt tập trung, gia tăng sản lượng, tích cực tái đàn, đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Lifsap, đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường của TP và cả nước. Tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2020; hỗ trợ các DN tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng, đầu tư sản xuất, chăn nuôi tạo nguồn hàng; tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực DN, cải tiến chất lượng, sản lượng sản phẩm; ký kết, tổ chức thu mua, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tỉnh, thành có chất lượng cao, ổn định; tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín… đảm bảo cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, người tiêu dùng có tâm lý dự trữ hàng hóa, Sở Công thương chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang; vận động các DN sản xuất, kinh doanh có chính sách, chế độ chăm lo người lao động hợp lý để an tâm tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng trong giai đoạn cấp bách.

Phối hợp Cục Quản lý thị trường TP, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý kiên quyết việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm cục bộ để đầu cơ, gom hàng, tăng giá bất hợp lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sở Công thương TP phối hợp các sở ngành liên quan, xác định vai trò, trách nhiệm, phân công cụ thể nhằm triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND TP đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19.

Các DN BOTT giữ vai trò chủ lực 

Theo Kế hoạch số 716 của Sở Công thương TPHCM về đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19 thì nguồn cung chủ yếu từ 3 nguồn chính sau: Các DN tham gia chương trình BOTT, chiếm 30%-40% thị phần; Các chợ đầu mối (mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60%-70% thị phần; các DN khác chiếm 10%-20% thị phần.

Cụ thể, ở nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, TP sẽ dự trữ lương thực 3.319,9 tấn/tháng và 9.959,8 tấn/3 tháng; trứng gia cầm 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng; đường: 1.748,5 tấn/tháng và 5.245,5 tấn/3 tháng; thực phẩm chế biến 631,7 tấn/tháng và 1.895,1 tấn/3 tháng; dầu ăn 929,5 tấn/tháng và 2.788,5 tấn/3 tháng; rau củ quả 6.409 tấn/tháng và 19.227 tấn/3 tháng; thịt gia súc: 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng; thịt gia cầm: 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng.

Đối với mặt hàng sữa, TP sẽ dự trữ sữa bột dành cho trẻ em 71 tấn/tháng và 212,9 tấn/3 tháng; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường): 75 tấn/tháng và 225 tấn/3 tháng; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai 11,7 tấn/tháng và 35,1 tấn/3 tháng; sữa nước 130.051,17 lít/tháng và 390.153,50 lít/3 tháng. 

Trong đó, TP giao nhiệm vụ cụ thể cho một số DN chủ lực như Liên hiệp HTX Thương mại  TPHCM; Tổng Công ty Thương mại  Sài Gòn - TNHH MTV, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, Công ty Lương thực Thành phố, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty CP Thực phầm Bình Tây, Công ty CP Lương thực, thực phẩm Colusa, Công ty CP Thương mại Thành Thành Công, Công ty CP Đầu tư Vinh Phát Wilmar… tập trung chuẩn bị lượng lớn hàng hóa đảm bảo cung ứng thị trường trong gia đoạn phòng chống dịch bệnh (có biểu mẫu và số liệu cụ thể cho từng đơn vị và từng mặt hàng). 

Bên cạnh đó, các DN BOTT đã có kế hoạch ứng phó, đảm bảo cung ứng, sẵn sàng cung ứng vượt 30%-50% kế hoạch của TP giao. Một số DN như Công ty CP Đầu tư Vinh Phát Wilmar đảm bảo nguồn dự trữ mặt hàng gạo, duy trì cung ứng đến cuối năm 2020; Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (mặt hàng gạo) đảm bảo cung ứng đến tháng 1-2021; Công ty CP Acecook Việt Nam đảm bảo nguồn cung, duy trì cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến (mì, phở, hủ tiếu…) đến cuối năm 2020, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng cộng đồng, đơn vị sẽ tổ chức các chương trình cung cấp miễn phí các sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng.

Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Ban quản lý chợ kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến thương nhân và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ 2-3 lần so với tháng thường.

Tin cùng chuyên mục