Thị trường bất động sản: Xu hướng chọn những dự án có độ an toàn cao

Theo khảo sát của DKRA Việt Nam, trong quý 3-2021, phân khúc đất nền tại TPHCM và các tỉnh lân cận có 2 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo, cung ứng ra thị trường 118 nền đất. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 28 nền, thấp hơn rất nhiều so với con số bán ra của quý trước. Tính chung, sức cầu của toàn thị trường ở mức rất thấp do trong quý 3-2021 các tỉnh phía Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Người mua nhà và khách hàng đầu tư xem nhà mẫu của những dự án mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người mua nhà và khách hàng đầu tư xem nhà mẫu của những dự án mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp tái đầu tư, kinh doanh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Vạn Phúc Land, cho biết, trong gần 2 năm qua, doanh nghiệp (DN) đã linh hoạt ứng phó và cố gắng điều chỉnh các hoạt đầu tư, kinh doanh của mình trong tâm thế xác định sống chung với dịch bệnh. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, DN tập trung vào công tác hoàn tất khâu thiết kế, hoàn thiện hồ sơ thi công, hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuẩn bị kế hoạch thi công và chào bán sản phẩm. DN cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng, như giãn tiến độ thanh toán. Hiện dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, DN sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh của mình vào cuối năm với dòng sản phẩm biệt thự sinh thái ven hồ và khoảng 300 căn hộ.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau giãn cách xã hội, thị trường bất động sản có sự sôi động nhất định do độ nén về mặt cung cầu thị trường. Do đó, các chủ đầu tư  đều có kế hoạch sẵn sàng cho việc mở bán sản phẩm vào cuối năm nay với nhiều chính sách kích cầu. Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam (đơn vị nghiên cứu và phát triển bất động sản), nhận định, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu phục hồi khi một số DN tái khởi động dự án của mình. Những thị trường đã có tính ổn định và mang tính dẫn dắt như TPHCM và các tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có tín hiệu lạc quan hơn. Bởi từ lâu, khu vực này luôn là nơi có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản sôi động nhất, gắn liền với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi thu hút rất đông nguồn lực, nhân lực từ các nơi đến, tạo nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Bà Đinh Ngọc Châu Hương, Phó Chủ tịch HDTC Land, cho rằng, thời gian tới, khách hàng sẽ chỉ chọn những dự án, sản phẩm có độ an toàn cao về tiến độ xây dựng, pháp lý rõ ràng, khả năng sinh lời…

Trong thời gian giãn cách vừa qua, rất nhiều DN ứng dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng và giới thiệu sản phẩm. Đây là giải pháp tối ưu nhất để DN duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, sống chung với dịch bệnh, nhiều DN cũng xây dựng được nhiều hình thức giao dịch với khách hàng: Khách hàng có “thẻ xanh Covid” thì giao dịch trực tiếp tại DN, nếu chưa thì giao dịch trực tuyến (chủ yếu với khách hàng quen); giao dịch về thanh toán tiền thì thông qua hệ thống ngân hàng, thuê hệ thống giao nhận hồ sơ…

Người mua nhà thận trọng

Anh Bùi Minh Bình, một nhà đầu tư bất động sản nhỏ, cho biết, hiện nay tính thanh khoản nhiều sản phẩm nhà, đất rất kém. Anh cho biết, hồi đầu năm nay, anh mua 2 căn hộ tại dự án Celadon (quận Tân Phú, TPHCM) và đã thanh toán gần 3 tỷ đồng. “Thông thường, sau khi đóng được vài đợt, chúng tôi tìm kiếm khách hàng thích căn hộ của mình rồi chuyển nhượng lại để hưởng chênh lệch vài trăm triệu đồng/căn, tùy tình hình thị trường. Nhưng với 2 căn hộ này, tôi mua trước khi dịch bùng phát chỉ vài tháng và phải “chịu trận” đến nay vì không bán được”, anh Bình chia sẻ.

Chính vì không chuyển nhượng được nên áp lực tài chính ngày càng đè nặng lên nhà đầu tư. Đây cũng là tình hình chung của nhiều nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng hiện nay. Do tính thanh khoản kém nên thị trường thứ cấp tại các dự án cũng giảm theo. Trong khi đó, người mua nhà để ở cũng hết sức dè dặt… “Khi chưa xảy ra dịch, thu nhập của hai vợ chồng tôi sau khi trừ chi phí thì hoàn toàn có thể trả cả gốc lẫn lãi cho khoản vay 2 tỷ đồng mua nhà. Song, thời gian tới không biết công việc và thu nhập ra sao nên 2 vợ chồng đang rất đắn đo”, anh Vinh (quận 12) chia sẻ.

Qua khảo sát thị trường, DKRA Việt Nam nhận định, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Những tháng cao điểm của dịch, hầu như không ai còn tâm trí để nghĩ đến chuyện kinh doanh, chỉ có một số rất ít khách hàng thân thiết của một số DN có thể đặt cọc, giữ chỗ nếu họ cảm thấy dự án có tiềm năng. Theo DKRA Việt Nam, đây là những khách hàng có tiềm lực tài chính và có kinh nghiệm thị trường nên mới giao dịch trong giai đoạn này.

Đánh giá chung về thị trường bất động sản trong thời gian tới, hầu hết chủ DN bất động sản vẫn rất thận trọng khi đưa ra nhận định về khả năng thanh khoản của thị trường. “Chúng tôi chỉ kỳ vọng vào khách hàng thật sự cần nhà trong lúc này, còn phân khúc đầu tư thì có lẽ nhà đầu tư còn cân nhắc, có thể sau Tết Nguyên đán 2022 họ mới thực sự tính đến chuyện đầu tư”, một chủ DN nhận định.

Tin cùng chuyên mục