Thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản

Bức tranh ảm đạm của thị trường chứng khoán, niềm tin của thị trường đang giảm sút mạnh và chưa có điểm dừng là nguyên nhân khiến việc huy động vốn qua kênh cổ phiếu của doanh nghiệp đã khó nay lại càng khó hơn. Vn-Index có thời điểm thủng mốc 1.000 điểm. Thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản và thiếu dòng vốn phát triển mới.
Họp Quốc hội chiều 27-10: Ảnh: QUANG PHÚC
Họp Quốc hội chiều 27-10: Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 27-10, tại Quốc hội, thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, năm 2023, cần tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.

ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới. Dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản ảnh 1  ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Trao đổi với SGGP, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có sức chống chịu tốt trước 3 vấn đề: lạm phát, lên giá của USD cùng với sự mất giá của hầu hết các đồng tiền và gãy đổ chuỗi cung ứng làm tăng chi phí logistic và giá nguyên liệu.

Nhưng năm 2023, theo ĐB, tình hình sẽ khó khăn. Từ giữa tháng 10-2022 sức chống chịu của kinh tế Việt nam bắt đầu có dấu hiệu yếu dần, dường như động lực tăng trưởng sẽ gặp rất nhiều rào cản. Thể hiện qua 3 trụ cột chính của động lực tăng trưởng: trụ cột đầu tư, trụ cột tiêu dùng, trụ cột xuất khẩu. 

Về trụ cột đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch mục tiêu. Vấn đề vốn tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó, vì Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% từ nay đến cuối năm. Lãi suất điều hành đã điều chỉnh 2 lần, mỗi lần thêm 1 điểm % làm gia tăng áp lực thanh khoản, khiến các ngân hàng thương mại lao vào cuộc đua tăng lãi suất. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù vốn thực hiện tăng, song đáng quan ngại là vốn đăng ký mới bị chững lại. Lý do có thể là nhà đầu tư nước ngoài đang e dè rót vốn vào Việt Nam.

Mặt khác, bức tranh ảm đạm của thị trường chứng khoán, niềm tin của thị trường đang giảm sút mạnh và chưa có điểm dừng là nguyên nhân khiến việc huy động vốn qua kênh cổ phiếu của doanh nghiệp đã khó nay lại càng khó hơn. Vn-Index có thời điểm thủng mốc 1.000 điểm. Thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản và thiếu dòng vốn phát triển mới.

Còn đầu tư tư nhân đang bị tác động xấu của các sự kiện gây rung động giới đầu tư, tài chính với các vụ FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát... Doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu không dễ dàng, tâm lý bất an tràn ngập giới đầu tư. Thêm vào đó là vấn đề doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn cũng khá phổ biến. Việc đáo hạn trái phiếu sẽ là bài toán nan giải đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc khẩn trương, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, ổn định lại niềm tin doanh nghiệp và nhà đầu tư. “Kênh trái phiếu ngưng trệ và nguy cơ mất thanh khoản, kênh cổ phiếu thì khủng hoảng, kênh tín dụng thì bị khóa room, đồng thời lãi suất lại tăng, các ngân hàng thương mại không mặn mà với việc hỗ trợ lãi suất, thậm chí lo vì sợ sau này bị thanh tra, kiểm tra. Khát vốn, khả năng chống chịu của doanh nghiệp sẽ yếu đi. Nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu, doanh nghiệp sẽ rơi vào khu vực nguy hiểm”, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn nêu.

Thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản ảnh 2 ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Về trụ cột xuất khẩu, Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ xuất khẩu tăng chậm lại do các thị trường xuất khẩu lớn của ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, thời gian qua, đáng quan ngại là tình trạng thiếu đơn hàng đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, lao động khó tìm việc tại các khu công nghiệp. Về trụ cột tiêu dùng, 9 tháng đầu năm tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc và khả quan do tâm lý mua hàng sau giai đoạn thiếu thốn vì Covid-19, còn hiện tại tiêu dùng đã bão hòa, dần trở lại bình thường, thậm chí có phần chậm lại. Từ phân tích, trên, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp phù hợp đối với vấn đề này.

Cũng theo ĐB, vấn đề lãi suất và sự ổn định của tỷ giá cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Đồng USD đang lên giá rất cao vì Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục để chống lạm phát. Đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 10% so với USD tính từ đầu năm đến nay. Với một nền kinh tế có độ mở lớn, rõ ràng là các cú sốc chính sách từ bên ngoài, đã tác động mạnh vào kinh tế Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra lượng lớn USD khiến dự trữ ngoại hối giảm đáng kể. Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định tỷ giá trong khoảng từ tháng 8 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với USD và điều hành chính sách theo hướng tăng lãi suất. “Cả 2 lựa chọn này trên khía cạnh nào đó đều có tác động xấu tới nền kinh tế, khả năng cam kết về tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước có phần khá mong manh”, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn phân tích.

Mặt khác, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất càng khiến cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng. Do đó ĐB đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với USD trước bối cảnh hiện nay. Trước mắt cần chủ động linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, áp dụng các công cụ lãi suất và bán can thiệp dự trữ ngoại hối để đảm bảo cả 2 mục tiêu ổn định vĩ mô trong dài hạn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục