Thị trường bán lẻ tăng trưởng trở lại

Sau 2 năm trầm lắng bởi ảnh hưởng của đại dịch, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã khởi sắc trở lại, thể hiện rõ qua lượng mua sắm hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng tăng cao.
Thị trường bán lẻ tăng trưởng tích cực trở lại
Thị trường bán lẻ tăng trưởng tích cực trở lại

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.717 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng với tổng mức bán lẻ, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay, loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng 7,9%, là mức tăng khá cao trong nhiều năm trở lại đây.

Điển hình tại TPHCM, hoạt động thương mại dịch vụ đến tháng 7-2022 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng rất khả quan so với thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Theo đó, quý 2-2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so cùng kỳ. So với quý 1-2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đã tăng 10,5%. Con số này cho thấy sức mua của thị trường bán lẻ tương đối tốt.

Để có kết quả này, các địa phương trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng như: tổ chức khuyến mãi tập trung, tổ chức hội chợ khuyến mãi… tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối tiếp cận người tiêu dùng.

Chẳng hạn TPHCM vừa tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung “Mùa mua sắm năm 2022”, kéo dài từ ngày 15-6 đến 15-7 với hàng trăm doanh nghiệp tham gia giảm giá từ 10-100%, thu hút hàng triệu lượt khách mua sắm.

Trong các tháng cuối năm, nhiều địa phương, doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tận dụng tối đa đà tăng trưởng của thị trường bán lẻ và dịch vụ để kích cầu tiêu dùng. Theo đó, hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2022, các địa phương lên kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức các đợt khuyến mãi lớn với các ngành hàng tiêu dùng.

Dưới tác động của giá nguyên liệu đầu vào còn cao, nhiều địa phương đã chỉ đạo doanh nghiệp chủ lực chuẩn bị tốt hàng hóa dự trữ nhằm đảm bảo cung ứng trong mọi tình huống để phục vụ người tiêu dùng.

Là nhà bán lẻ với mạng lưới rộng khắp cả nước, Saigon Co.op cho biết đã có kế hoạch riêng để giảm và giữ giá trong nửa cuối năm 2022. Cụ thể, siêu thị đã kịp thời phối hợp nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, thực phẩm khô.

Mức dự trữ cho 3 tháng của các nhóm hàng này khoảng 80-100 tấn, mức giảm giá dự kiến 10-25%. Trung tuần tháng 9, hệ thống Co.opmart/ Co.opXtra/ Co.op Food sẽ chốt lượng hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng trước, trong và sau Tết. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, hàng bình ổn giá và mặt hàng đặc trưng Tết. Mức dự trữ khoảng 100 tấn, giảm giá dự kiến từ 10-50%.

Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, dù là doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước, để tăng sức cạnh tranh, quan trọng nhất là phải hướng đến lợi ích tối ưu nhất cho khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp phân phối cần có sự kết hợp với nhà cung cấp để có mức giá cạnh tranh nhất; khi doanh nghiệp phân phối luân phiên thực hiện kích cầu sẽ thu hút được khách hàng nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục