Thị trường ASEAN và Trung Quốc: Còn nhiều dư địa cho hàng Việt

Ngày 14-12, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức “Diễn đàn xuất khẩu 2018 - Thị trường ASEAN và Trung Quốc”. Diễn đàn cập nhật những thông tin về xu hướng xuất khẩu, những cách thức, giải pháp hữu hiệu để khai thác thị trường ASEAN và Trung Quốc. 
Cao su thiên nhiên, một mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Ảnh: CAO THĂNG
Cao su thiên nhiên, một mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Ảnh: CAO THĂNG

Hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC

Theo Tổng cục Hải quan, kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN (năm 1995) đến nay, quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong năm 2017 đạt 49,53 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

ASEAN hiện là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN đạt 21,51 tỷ USD, tăng mạnh 23,9% (tương ứng tăng 4,15 tỷ USD) so với năm 2016 và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may, dầu thô, xăng dầu… Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN là 28,02 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2016 và chiếm tới 13,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ tất cả các thị trường trên thế giới.

Với thị trường 660 triệu dân, GDP của ASEAN năm 2016 đạt 2.551 tỷ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC, năm 2018 sẽ hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế. Vì vậy, DN Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng có ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng và đầu vào chất lượng hơn.

Đối với thị trường Trung Quốc, trong năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều là 93,7 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đánh giá tổng quan, năm 2017 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng rất cao, đạt đến 35,5 tỷ USD và tăng trưởng 61,5% so với năm 2016. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước ta (sau Hoa Kỳ và EU), song mức tăng trưởng của thị trường này cao nhất. Riêng nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản, kim ngạch xuất khẩu trên 8 tỷ USD, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc đã vượt 1 tỷ USD và có mức tăng trưởng mạnh, như nhóm hàng rau quả đạt 2,65 tỷ USD, tăng 52,4%; các mặt hàng gạo, cao su, thủy sản, gỗ và sắn đều có kim ngạch trên dưới 1 tỷ USD. Cũng trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng 34%.

Cần đầu tư nhiều hơn cho quảng bá, xúc tiến 

Theo thông tin từ ông Ngô Tuấn, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TPHCM, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với 1,3 tỷ dân. Dự kiến trong 15 năm tới, các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ vượt qua hàng chục tỷ USD. Trung Quốc cũng xác định Việt Nam đã và đang là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng, đồng thời Trung Quốc là thị trường xuất khẩu của Việt Nam ở các nhóm hàng như điện thoại di động và linh kiện, gạo, rau quả, cao su thiên nhiên, dầu thô, xi măng, clinker, thủy hải sản, hạt điều, hạt tiêu và cà phê. Trên thực tế, quy mô thương mại giữa 2 bên vẫn chưa tương xứng với thế mạnh về tiềm năng sẵn có. 

Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho rằng để khai thác tốt thị trường ASEAN, các DN cần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường, đồng thời tăng cường kết nối với các DN tại các thị trường mục tiêu. Hoạt động nghiên cứu thị trường cũng rất quan trọng, DN nên tập trung nghiên cứu nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, hệ thống phân phối, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thanh toán và văn hóa trong kinh doanh… Để đáp ứng tốt, DN cần nghiên cứu cải tiến sản xuất; giảm chi phí sản xuất đồng thời hạ giá thành sản phẩm; thiết kế bao bì nhãn mác phù hợp với từng thị trường khai thác; tạo tính tiện lợi cho sản phẩm. Khai thác các thị trường tiềm năng cần đi đôi với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Việc chú trọng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là vấn đề tất yếu và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 

Một điểm lưu ý nữa là DN cần liên kết và tìm sự hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến nhà nước để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng. DN phải xây dựng mối quan hệ tốt với DN nước sở tại, tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người và tập quán kinh doanh. Bao bì, nhãn mác sản phẩm cần có tiếng Anh và tiếng địa phương.

Ông Ngô Tuấn cũng cho rằng cần nghiên cứu, khảo sát nắm rõ xu hướng thị trường tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp, chứ không phải bán cái DN có sẵn; đặc biệt cần tăng cường quảng bá và marketing. Việt Nam là quốc gia quan trọng của cộng đồng ASEAN, các sản phẩm phong phú và có chất lượng tốt. Do vậy, DN cần chủ động quảng bá ra thị trường Trung Quốc qua những sự kiện quan trọng, có nhiều khách hàng tham dự như Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Canton Fair, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc…

Ngoài ra, các DN cần đầu tư ra nước ngoài và chủ động mời đối tác vào để cùng hợp tác với nhau, từ đó nâng cao thị phần. Điều quan trọng là cần đầu tư để nâng cấp và ổn định về chất lượng, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng và an toàn thực phẩm. Tăng cường đầu tư vào hệ thống kho bãi và hậu cần để việc phát luồng hàng hóa được nhanh chóng, đảm bảo về chất lượng.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, mặc dù đã hình thành AEC song năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ DN nước ngoài, dẫn đến một số ngành trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, nhập khẩu tăng mạnh. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối DN FDI sản xuất, khi nhóm này có sự biến động, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Tin cùng chuyên mục