Thi tốt nghiệp THPT 2020: Đề được đánh giá dễ thở nhưng đã không có “mưa điểm 10” ​

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi, nhiều chuyên giáo dục đã đưa ra nhận định,  điểm trung bình của từng môn năm nay có cao hơn năm trước. Nguyên nhân do bối cảnh ngành giáo dục chịu tác động của dịch Covid-19 nên đề thi năm nay dễ hơn năm trước, đồng thời do tính chất kỳ thi năm nay là thi tốt nghiệp THPT.

Cả nước có 5.812 điểm 10

Đáng chú ý, kết quả thi năm nay cho thấy điểm trung bình cao nhất là môn Giáo dục công dân, chứng tỏ học sinh đã có ý thức học tập và hiểu về những tình huống thực tế liên quan tới pháp luật.

Hầu hết các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, điểm trung bình đều từ 6 trở lên, trừ môn tiếng Anh. Với môn Tiếng Anh, điểm trung bình nhỉnh hơn một chút so với năm trước. Môn Lịch sử điểm thi tốt hơn năm 2019 rất nhiều. Kết quả đó là thể hiện nỗ lực, cố gắng của các thầy cô, nhà trường, ngành giáo dục địa phương sau kết quả thi môn Lịch sử năm trước.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Đề được đánh giá dễ thở nhưng đã không có “mưa điểm 10” ​ ảnh 1 Thí sinh dự thi THPT năm 2020. Ảnh: QUANG PHÚC
Trước đó, chiều tối 26-8, Bộ GD-ĐT dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã họp phân tích các số liệu thống kê kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 1) với đại diện các đơn vị liên quan và một số chuyên gia giáo dục.

Một số ý kiến chuyên gia cũng nhận định có độ lệch giữa điểm thi trung bình và điểm trung bình học bạ nói chung, một số địa phương độ lệch này còn lớn. Đây cũng là điều mà dư luận còn băn khoăn khi một số trường ĐH-CĐ có sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển.

Bộ GD-ĐT còn có các thống kê sắp thứ tự các địa phương theo điểm thi trung bình, điểm trung bình học bạ của từng môn thi cùng độ lệch của 2 điểm này, so sánh điểm thi trung bình từng môn của năm nay với năm trước. Top 10 địa phương có điểm trung bình thấp nhất tương đối giống trước đây, trong đó có nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Cụ thể, Nam Định là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT là 6,928. Đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình thi THPT quốc gia năm ngoái. Bình Dương là địa phương xếp thứ 2 với 6,914 điểm. Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là tỉnh Ninh Bình và An Giang, mức điểm trung bình của 2 địa phương này lần lượt là 6,721 và 6,713. Vĩnh Phúc là địa phương xếp thứ 5, thay thế vị trí của TPHCM năm ngoái. Năm nay, TPHCM xếp thứ 8 cả nước với mức điểm trung bình là 6,601. Hà Nội năm nay có mức điểm trung bình là 6,383, xếp thứ 23, tăng 2 bậc so với năm ngoái.

Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình tiếp tục là 3 địa phương xếp cuối cùng của cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT 2020 với số điểm lần lượt là 5,350; 5,643; 5,720.

Theo thống kế, cả nước có 10 địa phương có mức điểm trung bình dưới 6,0.

Đặc biệt, dù đề thi năm nay được đánh giá là dễ nhưng đã không có hiện tượng "mưa điểm 10" xảy ra như một số dự đoán trước đó.

Cụ thể, có 273 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán;  2 thí sinh đạt điểm 10 môn Văn; 10 thí sinh đạt điểm 10 môn vật lý; có 399 thí sinh đạt điểm 10 môn Hóa; có 121 thí sinh đạt điểm 10 môn Sinh; có 371 thí sinh đạt điểm 10 môn Sử; có 248 thí sinh đạt điểm 10 môn Địa lý; có 4.163 thí sinh đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân (đây là môn thi luôn có số điểm cao hàng năm); có 225 thí sinh đạt điểm 10 môn Anh.

Phổ điểm đẹp cho xét tuyển đại học

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, tuy độ phân hoá không cao như năm trước vì tính chất kỳ thi thay đổi nhưng với kết quả thống kê đã cho thấy các trường vẫn có thể căn cứ vào kết quả này để xét tuyển ngoài các tiêu chí tuyển thẳng hay các cách xét tuyển đã công bố. Nhiều ý kiến cho rằng kết quả kỳ thi này có tính khách quan hơn là xét điểm học bạ.

Theo TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, các ý kiến chuyên gia tại cuộc họp phân tích các số liệu thống kê kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 1) cho rằng, ngoài các vi phạm trong khi tổ chức thi của một số cán bộ mà Bộ GD-ĐT đã công bố, theo biên bản coi thi, chấm thi cùng biên bản giám sát và những thống kê kết quả kỳ thi cho thấy không có dấu hiệu của hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi đợt 1.

Trong điều kiện đặc biệt phòng chống dịch - một điều kiện chưa hề xảy ra ở nhiều thập niên gần đây thì có thể khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1 đã thành công trên tất cả các mặt. Các chuyên gia cũng hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 2) sẽ được tổ chức tốt để chúng ta có một thành công trọn vẹn.

Đánh giá về phổ điểm các môn thi tốt nghiệp năm 2020, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, kết quả phổ điểm cho thấy một sự phân hóa rất rõ ràng trong đề thi. Phổ điểm kỳ thi THPT năm 2019 và năm nay theo hướng ngày càng đẹp hơn. Việc các môn thi (trừ Ngữ Văn) thi theo hình thức trắc nghiệm với ngân hàng câu hỏi ngày càng lớn, độ tin cậy cao cũng là yếu tố quan trọng giúp cho phổ điểm thi ngày càng đẹp hơn.

“Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã kiên quyết tổ chức kỳ thi này và thực tế cho thấy, việc tổ chức kỳ thi là đúng đắn và chính xác. Chúng ta thử hình dung nếu không có kỳ thi này, trong điều kiện bệnh thành tích vẫn còn ở không ít địa phương, cơ sở giáo dục thì việc xử lý kết quả cho tuyển sinh đại học và phân luồng học sinh như thế nào”, ông Lê Viết Khuyến nói.

Theo ông Khuyến, trước khi kỳ thi diễn ra khá nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tổ chức kỳ thi với mục đích là để xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ không thể hiện được sự phân hóa giúp các trường đại học dựa vào đó để tuyển sinh được. Nhưng kết quả phổ điểm cho thấy một sự phân hóa rất rõ ràng trong đề thi, và đó là câu trả lời cho những người nghi ngờ kỳ thi này không phục vụ được cho mục đích tuyển sinh. Đó là thành công thứ hai của kỳ thi năm nay.

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, trong bối cảnh dịch bệnh, mục tiêu của kỳ thi phục vụ cho đánh giá tốt nghiệp là chính nhưng kết quả điểm thi và phổ điểm thi không chỉ “đẹp” cho phần thi tốt nghiệp mà còn giúp cho công tác tuyển sinh của các trường đại học được thuận lợi.

“Trong điều kiện khó khăn, có thể nói, chúng ta đã có một kỳ thi thành công, tạo công bằng cho các em học sinh, nhất là những học sinh có nguyện vọng vào đại học”, ông Quách Tuấn Ngọc nói. 

Tin cùng chuyên mục