Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp

Trưa 8-7, thí sinh cả nước đã hoàn thành bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, tùy theo sự đăng ký của thí sinh).

Số lượng thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội năm 2022 là 555.813 em, chiếm 55.53%. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên là 319.676, chiếm 31.94%.

Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Bài tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp sẽ có thời gian làm bài 50 phút, thi trắc nghiệm.

Theo ghi nhận, nhiều thí sinh cho biết bài thi khoa học xã hội năm nay dễ, trong khi bài khoa học tự nhiên có tính phân loại.

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 1 Thí sinh phấn khởi hoàn thành bài thi tổ hợp. ẢNH: QUANG PHÚC

Tại điểm thi trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội, nhiều thí sinh cho biết đăng ký tổ hợp bài thi khoa học xã hội  chỉ để xét điểm tốt nghiệp, vì vậy “chỉ cần thoát điểm liệt”. Em Hoàng Thị Ngọc, học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết em dự thi với mục tiêu xét tuyển khối D, nên dồn sức cho 3 môn Toán, Văn, Anh. Còn bài thi tổ hợp xã hội dùng để xét tốt nghiệp.

Thí sinh Trần Thanh Nguyên, học sinh trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng nhận xét, đề thi sử năm nay không quá khó. Các phần kiến thức chủ yếu nằm trong những gì đã học ở lớp 12. Trong khi đó, đề địa lý có số lượng câu hỏi có thể sử dụng atlas để tìm ra đáp án chiếm nhiều, nên không gây khó cho thí sinh. Nội dung đề thi môn giáo dục công dân chủ yếu kiểm tra cách xử lý một số tình huống liên quan tới pháp luật, đạo đức, nên thí sinh chỉ cần chọn đáp án mình cho là “hợp lý”.

Trong khi đó, nhiều thí sinh làm bài thi khoa học tự nhiên nhận xét đề thi năm nay có thể giúp phân biệt những thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp hay thi để xét tuyển vào đại học. Thí sinh Phan Hoàng Hải, trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết em thi tổ hợp khoa học tự nhiên để lấy điểm môn Lý xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. “Đề Lý có một số câu hỏi khó em không làm được, còn lại em làm đạt khoảng 9-9,25 điểm môn Lý. Đây là số điểm em thấy ổn để xét tuyển vào đại học mà em mơ ước”, Hải nói. 

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 2 Thí sinh đã hoàn tất  3 buổi thi. ẢNH: QUANG PHÚC

Một số thí sinh cũng nhận xét, đề thi năm nay có khoảng 90% kiến thức rơi vào chương trình lớp 12, 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Đây cũng là những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Đề thi môn Vật lý năm nay có sự phân hóa rõ ràng. Các câu hỏi bám sát chương trình, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và các trường đại học vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Phổ điểm của thí sinh sẽ tập trung cao nhất ở khoảng 7 đến 8 điểm.

Nhận xét về đề Sinh học, Tổ Tự nhiên – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD-ĐT đã công bố qua Đề thi tham khảo. Đề phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, có độ phân hóa vừa phải để xét tuyển đại học. Đề đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, ít yếu tố toán, tăng bản chất sinh, thí sinh cần kỹ năng đọc hình và bảng biểu, sơ đồ, nhưng đề không quá khó; số lượng điểm 10 khả năng sẽ không ít. Về độ khó, 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Chỉ có 40% câu hỏi dùng để phân hóa trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao.

 Nhìn chung, với mức độ đề Sinh, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5-6,5 điểm.

Tại TPHCM, kết thúc giờ làm bài tổ hợp, tại điểm thi THCS Minh Đức (quận 1), thí sinh ra về với tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Hầu hết các em đều cho biết, đề thi các môn thành phần năm nay tương đối khó, nếu không nắm chắc kiến thức vẫn có nguy cơ bị điểm liệt. Nguyễn Quốc Hậu, thí sinh tự do đăng ký dự thi hai môn Lịch sử và Địa lý cho biết, đề thi trải đều kiến thức cả năm lớp 12 trong khi em chỉ ôn kỹ học kỳ 2. Trong đó, môn Địa lý khá dễ thở, nhiều câu hỏi vận dụng Atlat nhưng môn Lịch sử có nhiều câu hỏi gài bẫy thí sinh hơn.

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 3 Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Tạ Quang Bửu trao đổi xem lại đề thi. Ảnh: CAO THĂNG

Đối với Vân Anh, học sinh Trường Quốc tế Á Châu, trong 3 môn thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân thì môn thi em đánh giá khó nhất là môn Giáo dục công dân.

Thí sinh này cho biết, đề thi môn Giáo dục công dân năm nay khó hơn năm ngoái, có nhiều câu cuối hỏi xử lý tình huống với đề bài khá dài, nhiều dữ kiện dễ khiến thí sinh bị rối. 2 môn còn lại là Lịch sử và Địa lý có phần dễ kiếm điểm hơn.

“Dù em ôn tập khá kỹ kiến thức trong chương trình nhưng cũng bị choáng bởi đề thi môn Giáo dục công dân đề cập khá nhiều nội dung như quyền bầu cử, luật hình sự, dân sự… Ngoài việc nắm vững kiến thức, em còn phải phân biệt tình huống, đọc kỹ đề để không nhầm lẫn dữ liệu. Từ câu 111 trở đi là câu hỏi tình huống, khó nhất là câu cuối khiến em mất nhiều thời gian vẽ sơ đồ để không nhầm lẫn hành vi giữa các đối tượng được cho trong đề”, Vân Anh bày tỏ.

Với hai môn Lịch sử và Địa lý, Vân Anh chi biết môn Địa lý có hơn 50% câu hỏi sử dụng Atlat, trong các câu còn lại chỉ có 1 -2 câu tính toán, còn lại là lý thuyết nên không gây nhiều khó khăn cho thí sinh.

Riêng môn Lịch sử, đề thi tập trung kiến thức ở giai đoạn 1954-1975 vốn là trọng tâm kiến thức của học kỳ 2 nên các em nắm vững kiến thức. Đề thi môn Lịch sử có 1-2 câu liên quan kiến thức lớp 11.

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 4 Những thí sinh tự do đầu tiên rời khỏi cổng trường tại điểm thi THCS Minh Đức (quận 1). Ảnh: THU TÂM.

 Ở tổ hợp Khoa học tự nhiên, với Đàm Lê Quỳnh Anh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Ernst Thalmann, trong 3 môn thi gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học thì em đánh giá môn Sinh khó nhất do đề thi có nhiều câu hỏi khá lạ, vừa liên quan lý thuyết khá nhiều vừa đòi hỏi thí sinh phải có khả năng vận dụng giải quyết yêu cầu của đề.

Đặc biệt, Quỳnh Anh cho biết, nhiều câu hỏi trong đề thi môn Sinh khá dài, cho quá nhiều dữ kiện, câu hỏi khó trải đều trong đề chứ không tập trung ở các câu hỏi cuối. So với đề ôn tập em đã làm trên lớp, đề thi chính thức có nhiều câu hỏi khá lạ, đáp án khó loại trừ khiến em phải động não khá nhiều. Thí sinh này dự đoán không đạt điểm cao môn này.

Tương tự, với Nguyễn Hà Vân Anh, lớp 12A5, Trường THPT Ernst Thalmann, môn Hóa được em đánh giá đề thi dễ nhất vì có nhiều câu hỏi lý thuyết. Môn Vật lý số lượng câu hỏi tính toán nhiều hơn nhưng khá dễ, có câu hỏi liên quan kiến thức 11 nhưng rơi vào câu hỏi khó, không phải kiến thức cơ bản.

Nhìn chung, Vân Anh cho biết đề thi hai môn Vật lý tập trung kiến thức ở học kỳ 2, lớp 12.  

Trái ngược, Bùi Thảo Quỳnh Hương, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Ernst Thalmann cho biết, đối với em môn Vật lý khó nhất vì kiến thức nhiều, có câu hỏi ngoài chương trình. Môn Sinh em chỉ chắc chắn đáp án khoảng 20 câu, 20 câu còn lại đánh lụi do đáp án khó loại trừ, đề dài rắc rối.

 Với Lê Viên Khánh Băng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Ernst Thalmann, đề thi môn Sinh năm nay đòi hỏi thí sinh suy luận khá nhiều, khoảng 10 câu hỏi cuối khá hóc búa, đòi hỏi khả năng tính toán kết hợp suy luận. Đặc biệt, đề thi có câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11 về động vật, gen di truyền, học khá lâu rồi nên em không chắc về đáp án lựa chọn.

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 5 Một thí sinh được người thân tặng hoa chúc mừng và chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc hoàn thành bài thi tổ hợp. Ảnh: THU TÂM.

Riêng với Nguyễn Võ Thiên An, lớp 12A1, Trường THPT Ernst Thalmann, môn thi phải sử dụng máy tính nhiều nhất là Lý, môn Hóa hầu hết câu hỏi chỉ cần viết phương trình hóa học rồi tính toán đơn giản. Riêng môn Sinh không đòi hỏi tính toán nhiều nhưng phải vẽ biểu đồ, phân tích kiểu gen nên khiến thí sinh mất nhiều thời gian.

Chiều nay, thí sinh bước vào môn thi cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT là Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. 

Tại điểm thi trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi), đến 10 giờ 30 phút, thí sinh hoàn thành bài thi và rời điểm thi. Em Đinh Thị Diệu (lớp 12, trường THPT Trần Quốc Tuấn) cho biết: “Em thi tổ hợp Khoa học xã hội, khó nhất là môn Lịch sử, nội dung thi dàn trải khắp chương trình lớp 12, còn lại nội dung thi các môn đều sát chương trình học nên em làm bài được. Riêng môn Địa lý thì chủ yếu nằm trong Atlat nên chúng em dễ tra cứu thông tin”.

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 6 Thí sinh tại điểm thi trường THPT Trần Quốc Tuấn ra về sau khi hoàn thành bài thi môn tổ hợp sáng 8-7. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Em Trần Lê Hoàng Diễm (lớp 12, trường THPT Trần Quốc Tuấn) cho biết, em thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, em nói: “Đề thi có tính phân loại cao, môn Vật lý em nghĩ mình đạt 7 điểm, còn Sinh học và Hóa học thì chắc tầm 6 điểm. Em xét tuyển vào Đại học Kinh tế TPHCM”.

Thí sinh cả nước hoàn thành bài thi tổ hợp ảnh 7 Anh  Đinh Tấn Huỳnh (Bí thư đoàn xã Sơn Thành) cõng em Đinh Lâm Vũ (lớp 12, trường THPT Quang Trung) khi em đến địa điểm thi tại trường THPT Quang Trung (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi)

Nam thí sinh ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi bị khuyết tật nhờ gia đình và đoàn viên thanh niên cõng đến phòng thi.

Trong suốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tại điểm thi trường THPT Quang Trung (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), thí sinh Đinh Lâm Vũ (lớp 12, trường THPT Quang Trung) đều được gia đình chở đến điểm thi và đoàn viên thanh niên cõng em đến phòng thi vì em bị khuyết tật.

Em Vũ bị khuyết tật cả 2 chân, việc đi học từ nhỏ đến lớn đều nhờ gia đình chở đi hoặc bạn bè chở đi học, đến trường thì nhờ bạn cõng vào lớp, nhưng vẫn kiên trì học tập suốt 12 năm liền.

Em Vũ cho biết: “Em cảm thấy lo lắng, cũng có áp lực và có đêm em không ngủ được vì sợ không kịp đến trường, nhưng tới đây nhờ có các anh chị tình nguyện viên giúp đỡ nên em cảm thấy rất vui, là một động lực để em vượt qua kỳ thi”.

Tin cùng chuyên mục