Thi hoa hậu có thành ngành công nghiệp?

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm, đã tạo điều kiện cho hàng loạt cuộc thi hoa hậu, hoa khôi mở ra.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã có gần 20 cuộc thi sắc đẹp quy mô toàn quốc được tổ chức, chưa tính các cuộc thi cấp tỉnh, thành. Đây là một trào lưu chủ đạo, lấn lướt các hoạt động văn hóa nghệ thuật thời điểm này.

Dù chưa có bằng chứng về việc “mua - bán” giải thưởng trong các cuộc thi nhan sắc, tuy nhiên, tính thương mại từ những cuộc thi này có thể thấy rất rõ. Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị tổ chức sự kiện đua nhau tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, họ phải nhìn thấy được những món lợi thu được từ các nhà tài trợ kim cương, vàng, bạc; từ các hoạt động quảng cáo trực tiếp, gián tiếp, tiền bán vé… 

Còn về phía các người đẹp, đoạt giải được cho là có cơ hội “đổi đời” với những phần thưởng lên tới nhiều tỷ đồng, cùng đó là những thương vụ như: làm gương mặt đại diện các nhãn hàng, quảng cáo, tham gia các sự kiện mang tính quảng bá… Bởi thế cũng dễ hiểu, thi hoa hậu trở thành phong trào và có những gương mặt quen thuộc đến mức có thể gọi là “dành cả thanh xuân để thi hoa hậu”.

Việc tổ chức một sự kiện, một cuộc thi sắc đẹp sẽ thuận theo quy luật cung - cầu. Có người cho rằng, nhiều cuộc thi, nhiều đơn vị tổ chức cũng là một cách để sàng lọc. Những cuộc thi có chất lượng kém, uy tín và tính cạnh tranh chưa cao thì dần dần sẽ bị đào thải… Tích cực hơn, nhiều người cũng đã nghĩ tới định hướng dài hơi hơn khi tính chuyện xây dựng các “lò” đào tạo, hướng tới ngành công nghiệp hoa hậu.

Từng trải qua nhiều vị trí, từ người nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa, hoạch định chính sách, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thẳng thắn cho rằng, một xã hội quan tâm đến nhan sắc không có gì sai, nhưng việc tạo ra các cuộc thi để trục lợi, tạo ra sự theo đuổi vẻ đẹp hình thể hào nhoáng, giả tạo, thậm chí là hình thành cả một trào lưu sính danh hiệu sắc đẹp, để từ đó gây ra những hệ lụy khác cho xã hội là điều hết sức đáng lên án.

Bởi thế, để quá trình “sàng lọc” được thuận lợi và nhanh hơn, tránh những “sự cố” không đáng có từ các cuộc thi tuyển nhan sắc, rất cần sự vào cuộc có tính định hướng của các cơ quan quản lý.

Tin cùng chuyên mục