Thi đua chiến thắng đại dịch

Thực hiện lời kêu gọi đoàn kết, đồng lòng phòng chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy TPHCM kêu gọi đồng bào TP cố gắng và quyết tâm hơn nữa thực hiện cho bằng được mục tiêu Nghị quyết 86 của Chính phủ: đến ngày 15-9 kiểm soát được dịch bệnh. 

Theo sự chỉ đạo của Thành ủy, TPHCM sẽ thực hiện các trọng tâm: tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân chỉ ra đường trong trường hợp hết sức cần thiết và thực hiện 5K; chăm lo tốt đời sống nhân dân; tập trung điều trị F0, nhất là bệnh nhân nặng, giảm số tử vong; đẩy nhanh tiêm vaccine và mở rộng bao phủ, sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Kế hoạch của Ủy ban nhân dân TPHCM đặt mục tiêu cho 2 giai đoạn. Trong đó, đến cuối tháng 8 sẽ kéo giảm ca tử vong, mở rộng vùng xanh, kiểm soát dịch ở 7 quận huyện, tiêm vaccine cho 70% người trên 18 tuổi và sẽ kiểm soát dịch bệnh trước 15-9.

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là cần thiết vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mặc dù ca nhiễm có giảm nhưng số lượng còn cao. Điều này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của người dân, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều mô hình tự quản cộng đồng, nhiều vùng xanh được mở rộng, nhiều gia đình tự giác chấp hành quy định của giãn cách và khuyến cáo 5K nhưng ở một thành phố đông dân và hệ lụy của biến thể virus Delta chưa lường hết nên kết quả đạt được chưa đem lại như mong muốn, phải kiên trì và nỗ lực hơn nữa để chiến thắng dịch bệnh. Theo đánh giá, biến thể virus Delta có khả năng xuyên thủng 3 “lá chắn”: truy vết, khoanh vùng, cách ly nên không thể lơ lõng trong thực hiện giãn cách đối với mỗi người, ở cộng đồng, ở vùng phong tỏa và những khu cách ly. 

Việc phát hiện, thu dung, điều trị ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã có bước tiến trong đó có lập các tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 tại nhà, quản lý chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng, nhiều trường hợp khỏi bệnh. Thành phố đã tập trung nâng cao năng lực điều trị tại bệnh viện theo sự phân tầng, phấn đấu để có đủ oxy, máy thở cho bệnh nhân. Sự tham gia của lực lượng quân y, y tế tư nhân là hết sức có ý nghĩa. Việc xây dựng nhanh các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực, có chi viện của Trung ương, của các địa phương… đã giúp hệ thống điều trị giảm bớt sự quá tải và bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi, xuất viện ngày càng tăng.

Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được triển khai chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn, trong đó có thay đổi quy trình, tăng thêm đội tiêm, tăng thêm thời gian vào ban đêm nên việc tiêm vaccine đã thực hiện nhanh hơn. Đến nay, số lượng người được tiêm tại TPHCM đạt khá, nhiều quận đạt trên 70%, có quận đạt trên 95%. Nếu nguồn cung cấp vaccine được đưa về nhiều hơn và được người dân đồng thuận thì TP có thể đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ngay trong tháng 8 này. 

Việc chăm lo đời sống cho người dân đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận - đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, từ thiện triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Hai gói hỗ trợ của TP được phát cho các đối tượng một cách nhanh nhất và liên tục rà soát, bổ sung những trường hợp khó khăn. Các tổ chức thiện nguyện đã có nhiều cố gắng để phục vụ cho lực lượng tuyến đầu, các bệnh viện dã chiến, các khu phong tỏa, cách ly, không chỉ lương thực, thực phẩm mà có cả những chương trình văn nghệ đặc biệt… Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế, người dân ở vùng tâm dịch như TPHCM luôn nhận được sự động viên, khích lệ và cảm giác như được chia sẻ nồng ấm tình thân. 

Với chủ trương hỗ trợ miễn phí cho những người mắc Covid-19 qua đời và lực lượng vũ trang TPHCM chịu trách nhiệm nhận tro cốt, chuyển đến từng gia đình nạn nhân, khi cần thiết thì lo luôn hậu sự, thờ cúng, cầu siêu theo nghi lễ truyền thống… đã thể hiện sâu sắc tính nhân văn của chính sách và sứ mệnh nhân đạo của người lính. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh TPHCM cho rằng, các chiến sĩ sẽ làm tốt việc này bằng trách nhiệm và bằng trái tim mình. Thời gian qua, có 300/30.000 chiến sĩ tham gia chống dịch bị mắc Covid-19, có 50 chiến sĩ có cha mẹ, người thân qua đời mà không về nhà được…

Vấn đề cung ứng lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu, mặc dù có nhiều cố gắng để có thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ dã chiến… nhưng vẫn chưa đáp ứng. Việc lãnh đạo TP tính toán mở cửa lại kinh tế ở mức độ phù hợp trên cơ sở lắng nghe và xử lý một cách linh hoạt, hiệu quả là hết sức cần thiết lúc này. Mô hình nào phù hợp thì nhân rộng, mô hình nào gặp ách tắc thì tìm cách tháo gỡ. Trên cơ sở sâu sát thực tế, tin rằng lãnh đạo TP sẽ xử lý nhanh tình hình và hiệu ứng tích cực của chính sách sẽ sớm được lan tỏa.

Phong trào thi đua đặc biệt đã được phát động, nhất định sẽ tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Kết quả mong muốn sẽ là những công trình, sản phẩm đầy sức sáng tạo, đầy tinh thần trách nhiệm phục vụ dân, đầy tinh thần tương thân tương ái đưa TPHCM sớm vượt qua những tháng ngày khó khăn, thử thách. Chúng ta tham gia thi đua bằng những việc làm thiết thực. Ý thức tự phòng, hành động tự giãn cách xã hội của người dân là phòng tuyến quan trọng nhất để chiến thắng đại dịch Covid-19. 

Tin cùng chuyên mục