Thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp: Người dân vẫn gặp khó

TPHCM cho phép thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè, nhưng hơn 1 năm nay, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong xin phép xây dựng. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Không được cấp phép xây dựng, sửa chữa

Ông T.Q.T., xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi than vãn, trang trại nuôi heo của ông rộng 5ha, trong đó diện tích xây dựng chuồng trại, công trình phụ chưa đến 5.000m2. Các công trình này được xây dựng nhiều năm qua, hiện giờ đã xuống cấp cần phải xây dựng mới. Thế nhưng, ông đến xã nộp đơn 2 lần để xin phép xây dựng nhưng vẫn không được giải quyết. “Công trình xây dựng 14 năm, đến nay đã xuống cấp nặng. Tôi xin phép nâng cấp, sửa chữa công trình nhưng địa phương không cấp phép và yêu cầu làm như trước đây. Như thế là không phù hợp, vì hiện nay công nghệ đã thay đổi nên cần phải xây dựng để vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường vừa tăng năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi và đảm bảo phòng chống dịch bệnh”, ông T. phản ánh.

Ông T.Q.T., xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi muốn nâng cấp, sửa chữa trang trại nuôi heo nhưng không được cấp phép xây dựng
HTX Nông nghiệp Nhơn Đức (với 7 xã viên) chuyên sản xuất các loại nấm trên diện tích 2.000m2, hoạt động từ năm 2018 tại huyện Nhà Bè cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Trần Văn Tấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Đức, cho biết, HTX có sẵn trang trại trên đất nông nghiệp từ lâu, hiện đã xuống cấp nhưng khi xin giấy phép xây dựng thì không được giải quyết. Không có giấy phép xây dựng, HTX không thể tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất. Vì vậy, ông Trần Văn Tấn kiến nghị UBND huyện Nhà Bè và cơ quan chức năng của thành phố xem xét cấp giấy phép xây dựng cho trang trại.


Theo ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, với quy định cho phép công trình phụ phục vụ sản xuất nông nghiệp là 15m2 sử dụng để canh giữ vườn là chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân. Do đó, ông Võ Văn Thuận kiến nghị TPHCM cho phép tăng diện tích đất xây dựng thêm công trình phụ như nhà vệ sinh, khu ăn uống… để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe người dân trong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, UBND TPHCM và các đơn vị chức năng cũng cần cho phép xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nơi không tiếp giáp với đường giao thông công cộng.

Gỡ vướng, triển khai rộng

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, khẳng định, các công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp (bao gồm chuồng trại chăn nuôi, nhà trồng nấm...) đang triển khai thí điểm ở huyện đều được giải quyết cấp phép theo đúng quy định, trừ các trường hợp trá hình.

Đối với các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp có quy mô lớn không thuộc phạm vi áp dụng của Công văn 3680/UBND-ĐT ngày 25-9-2020 của UBND TPHCM về việc tăng quy mô xây dựng công trình, huyện đã báo cáo UBND TPHCM. Cụ thể, các công trình xây dựng (quy mô cấp 4) phục vụ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhà trồng nấm… bị giới hạn mật độ xây dựng không quá 5% tổng diện tích khu đất là không đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư. Vừa qua, UBND TPHCM đã có chỉ đạo về vấn đề này và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên hệ Sở NN-PTNN TPHCM để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.

Tại chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin thêm, việc TPHCM cho phép thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp khác là dựa vào Luật Đất đai. Tuy nhiên, một số địa phương không dám làm vì sợ xảy ra biến tướng, đặc biệt là tình trạng phân lô bán nền gây phá vỡ quy hoạch.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, với trường hợp các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp không tiếp giáp với đường giao thông công cộng thì cần mạnh dạn cho phép người dân xây dựng bình thường. Nếu đầu tư mới chuồng trại thì mới phải xem quy hoạch, còn chỉ nâng cấp đầu tư chuồng trại hiện hữu thì không cần thiết phải xem quy hoạch mà cho phép sửa chữa, nâng cấp.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng nhận xét, việc thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Về vấn đề này, thời gian qua, TPHCM tổ chức thí điểm ở phạm vi hẹp, theo từng bước. Do đó, TPHCM sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thí điểm để tháo gỡ các vướng mắc. “Qua sơ kết, thành phố cũng sẽ triển khai rộng, vì Luật Đất đai đã cho phép. Việc TPHCM thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác là tìm cách làm không để xảy ra vi phạm, chứ không phải cấm đoán, gây thêm khó khăn cho người dân”, đồng chí Võ Văn Hoan chia sẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa có chỉ đạo về thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè. Cụ thể, Sở Xây dựng TPHCM được giao đánh giá nhu cầu thực chất về việc xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 3 huyện trên. Trong đó, sở phải làm rõ vì sao nhu cầu của người dân rất nhiều nhưng khi triển khai thí điểm thì người đăng ký rất ít.

Qua thực tiễn triển khai thí điểm, Sở Xây dựng cần đề xuất quy mô công trình xây dựng mức độ phù hợp cho từng nhóm và xác định các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp có quy mô lớn. Đặc biệt là có đề xuất lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với đất nông nghiệp khác tại các huyện, làm cơ sở cấp phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định.

Tin cùng chuyên mục