Thí điểm đưa doanh nghiệp, ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.

Đề án đặt mục tiêu chung là làm điểm tổ chức mô hình đưa doanh nghiệp và ngư dân đi hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản với một số nước. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm mở rộng các hình thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, thúc đẩy hội nhập cũng như phát triển hợp tác quốc tế.

Từ nay đến năm 2020, đề án tổ chức mô hình làm điểm tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa doanh nghiệp, ngư dân sang hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản ở một số quốc gia đã có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam. Trước mắt là các nước: Brunei, Papua New Guinea và liên bang Micronesia.

Từ năm 2020 - 2025, sẽ tổ chức mở rộng mô hình liên kết hợp tác sang các nước trong khu vực, các nước quốc đảo ở Thái Bình Dương, các nước có thỏa thuận, hợp tác về nghề cá với Việt Nam và các vùng biển do các tổ chức nghề cá khu vực quản lý (WCPFC, IOTC). Mở rộng mô hình chuỗi liên kết khai thác ra các địa phương: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và một số tỉnh khác.

Doanh nghiệp, chủ tàu, ngư dân muốn tham gia mô hình trên phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chi phí mua bảo hiểm, thiết bị thông tin và ưu đãi về thuế cho các đối tượng tham gia. Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần 100% chi phí nhiên liệu 1 chuyến đi  (1 lượt đi) cho các tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác, hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá...

Tin cùng chuyên mục