Thi công đường cao tốc, băm nát đường dân sinh

Kể từ khi triển khai thi công xây dựng các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Bình Thuận, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công cao tốc đã làm biến dạng, hư hỏng hàng loạt tuyến đường dân sinh. 

Không chỉ vậy, việc tổ chức khai thác khoáng sản để phục vụ cho dự án cũng làm biến đổi cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Những ngày giữa tháng 11-2022, ghi nhận trên những tuyến đường dân sinh hàng ngày “cõng” nhiều phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu thi công các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Bình Thuận, hình ảnh những con đường trải nhựa thẳng tắp ngày nào nay đã lởm chởm “ổ voi”, “ổ gà”.

Có mặt trên tuyến đường từ Km14 (quốc lộ 1A) đi qua thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) tới Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, phóng viên ghi nhận các phương tiện giao thông ì ạch nối đuôi nhau để “bò” qua đoạn đường đang bị hư hỏng nặng.

Thi công đường cao tốc, băm nát đường dân sinh ảnh 1 Tuyến đường từ Km14 (quốc lộ 1A) qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị “băm nát”

Ông Nguyễn Cần (người dân sinh sống trên tuyến đường) bày tỏ: “Con đường này ngày trước được trải nhựa rất đẹp, nhưng từ khi xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công cao tốc đi qua đã phá nát đường, người dân chúng tôi rất cực khổ vì bụi bặm, đường sá lồi lõm, đi lại rất nguy hiểm. Gia đình tôi bán hàng ăn nhưng phải đóng cửa nhiều tháng nay vì không ai ghé nữa”.

Theo tìm hiểu, tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), khoảng gần 10 tuyến đường được các đơn vị thi công dự án cao tốc đăng ký “mượn” để vận chuyển vật liệu, sau đó những con đường này bị hư hỏng nhưng chưa được khắc phục.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Thuận thông tin, các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn khi triển khai thi công đã để xảy ra tình trạng các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu làm hư hỏng nhiều tuyến đường do đơn vị quản lý. Trong đó, các tuyến đường bị hư hỏng nặng nhất gồm: đường Liên Hương - Phan Dũng - quốc lộ 1A - Phan Sơn (huyện Tuy Phong và Bắc Bình), Sông Lũy - Phan Tiến, quốc lộ 28B (huyện Bắc Bình), ĐT.711 (huyện Hàm Thuận Bắc), ĐT.718, Phú Hội - Cẩm Hang - Sông Quao, tuyến quốc lộ 1A - Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và hàng loạt các tuyến đường dân sinh do huyện, xã quản lý.

Sau khi phát hiện các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã tổ chức nhiều cuộc họp, gửi nhiều văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7 tổ chức sửa chữa các tuyến đường hư hỏng như cam kết, nhưng nhà thầu thi công chưa tích cực phối hợp.

“Có nhiều tuyến đường bị hư hỏng, khi người dân bức xúc chặn xe không cho chạy thì đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công cao tốc mới sửa, nhưng nhằm đối phó là chính. Đến thời điểm hiện tại, trên tất cả tuyến đường bị hư hỏng, các đơn vị thi công cao tốc chưa thực hiện việc sửa, hoàn trả lại hiện trạng đường ban đầu cho người dân như đã cam kết”, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, thông tin.

Không chỉ gây hư hỏng đường, quá trình khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp phục vụ thi công cao tốc đoạn qua tỉnh Bình Thuận cũng đang khiến cảnh quan môi trường bị biến đổi và gây mất an toàn giao thông.

Đáng chú ý, việc tổ chức khai thác đất, đá lộ thiên tại khu vực núi Ếch, thuộc xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) của Công ty Trung Nguyên và Công ty Sa Phát đã khiến 3 ngọn đồi nơi đây bị cạo trọc nham nhở, cây xanh trên đồi đang dần biến mất.

Ông N.V.B. (người dân sống dưới chân núi Ếch) lo ngại: “Các quả đồi bị khai thác đất, đá theo kiểu hình xoắn ốc nên rất dễ gây ra sạt lở khi mùa mưa đến. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe vận chuyển đất, đá ra vào khu vực này. Xe vận chuyển băng ngang đường cắt qua quốc lộ 1A nên rất nguy hiểm về an toàn giao thông”… Đại diện UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, sẽ tổ chức kiểm tra, ghi nhận sự việc để có hướng xử lý dứt điểm.

Ông Đào Việt Cường, Phó Văn phòng điều hành Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc Ban QLDA Thăng Long, chủ đầu tư đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), khẳng định: “Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu đã làm việc với chính quyền địa phương, khảo sát tất cả tuyến đường vận chuyển vật liệu, ghi lại hiện trạng từng con đường. Chúng tôi cũng đã cam kết sau này khi hoàn thành dự án sẽ trả lại đường cho dân bằng hoặc tốt hơn lúc ban đầu. Song song với quá trình thi công dự án, chúng tôi cũng liên tục khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân”.

Tin cùng chuyên mục