Thêm thử thách cho JCPOA

Ngày 23-12, Iran đưa vòng thứ cấp của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak đi vào hoạt động mà theo Tehran như một phần của bản thiết kế lại theo quy định của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu tham gia JCPOA có khả năng sẽ bắt đầu quá trình giải quyết vấn đề Iran vào tháng 1-2020 để buộc Tehran phải dừng các hoạt động vi phạm thỏa thuận. 

Vòng thứ cấp của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak được đưa vào vận hành. Ảnh: AP


Một phần của cam kết 

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi tuyên bố vòng thứ cấp “truyền tải nhiệt phát sinh trong tâm lò phản ứng tới các tháp giải nhiệt” và hiện đã được hoàn thiện. Theo ông Salehi, vòng sơ cấp của lò phản ứng Arak, bao gồm tâm lò, vẫn đang được xây dựng. Người đứng đầu AEOI nhấn mạnh: “52 hệ thống phải được xây dựng để lò phản ứng có thể đi vào hoạt động… Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện 20 hệ thống”.

Đây là một phần trong cam kết của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân nhằm “tái thiết kế và tái xây dựng” một lò phản ứng hiện đại để nó không thể sản xuất ra plutoni cấp độ vũ khí và chỉ hỗ trợ “hoạt động nghiên cứu hạt nhân vì mục đích hòa bình và sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ các mục đích y tế và công nghiệp”. 

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn phát biểu của ông Salehi tại lễ vận hành vòng thứ cấp của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak, nhấn mạnh, các nước EU muốn bảo vệ JCPOA, vì họ nhận thấy tầm quan trọng về an ninh của thỏa thuận. Tuy nhiên, một khi các quốc gia này tái kích hoạt cơ chế trừng phạt Iran thì JCPOA cũng sẽ gặp bất lợi. 

Châu Âu sẽ né lệnh trừng phạt?

Trước đó, ngày 18-12, Iran đe dọa tiếp tục thu hẹp các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu EU vẫn không bảo vệ được những lợi ích của nước cộng hòa Hồi giáo này. Bên cạnh đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 23-12 đã kêu gọi Nhật Bản bảo vệ thỏa thuận hạt nhân 2015 bằng sự ủng hộ kinh tế thiết thực, hoan nghênh những sáng kiến giảm leo thang của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

Các diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Iran thời gian qua đã dần cắt giảm các cam kết cần tuân thủ theo JCPOA. Động thái này diễn ra một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong khi các nước châu Âu dù khẳng định muốn cứu vãn thỏa thuận nhưng lại chậm trễ trong việc hỗ trợ Iran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các nước EU từng để ngỏ khả năng kích hoạt cơ chế giải quyết mâu thuẫn theo JCPOA sau khi Iran tuyên bố điều chỉnh cam kết. Việc kích hoạt cơ chế này có thể dẫn tới tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

Theo nhiều nguồn tin, các nước châu Âu tham gia JCPOA có khả năng sẽ bắt đầu quá trình giải quyết vấn đề Iran vào tháng 1-2020 để buộc Tehran phải dừng các hoạt động vi phạm thỏa thuận. Tuy nhiên, các nước này còn đang suy nghĩ về việc khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ - hành động sẽ giết chết hiệp định - hay không. Iran đã chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì đã không cứu vãn được JCPOA bằng cách bảo vệ nền kinh tế của Tehran khỏi các lệnh trừng phạt mà Mỹ đặt ra năm ngoái khi Washington rút khỏi thỏa thuận giữa Iran và 6 cường quốc. 

6 nhà ngoại giao châu Âu và phương Tây cho biết nhóm 3 nước Anh, Pháp và Đức (E3) đã đồng ý về nguyên tắc để bắt đầu quá trình giải quyết xung đột, mặc dù họ vẫn sẽ chờ xem các bước mới nhất của Iran có ý nghĩa như thế nào trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Còn theo các quan chức Iran, vào ngày 6-1-2020, nước này sẽ tiếp tục các hành động không tuân thủ thỏa thuận, để tăng cường các cảnh báo của mình về hậu quả thảm khốc nếu các lệnh trừng phạt của LHQ được gia hạn.

Tin cùng chuyên mục