Thêm “tai mắt” phát hiện vi phạm Chỉ thị 16

Với chức năng chính là tiếp nhận thông tin, phản ánh liên quan đến cháy nổ, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn TPHCM; tuy nhiên trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ứng dụng Help 114 còn tiếp nhận hàng trăm trường hợp người dân vi phạm về giãn cách, tụ tập nhậu nhẹt…
Trong thời gian giãn cách, Phòng PC07 khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức PCCC. Ảnh: K.HIẾU
Trong thời gian giãn cách, Phòng PC07 khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức PCCC. Ảnh: K.HIẾU

Ứng dụng quen thuộc với người dân thành phố

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TPHCM cho biết, từ ngày 9-7 đến nay, thông qua ứng dụng Help 114, bên cạnh tiếp nhận thông tin cháy nổ, PC07 còn nhận trên 700 trường hợp người dân phản ánh các hành vi vi phạm, không tuân thủ Chỉ thị 16. Nội dung phản ánh chủ yếu là tụ tập đông người buôn bán, nhậu nhẹt, đánh bài, không tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19…

Cụ thể, trường hợp phản ánh người dân ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn tụ tập đông người nói chuyện, đánh bài trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Người dân đã ghi lại hình ảnh và gửi thông tin qua Help 114. Hay như phản ánh ở đường Phan Anh (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) có trường hợp cách ly tại nhà nhưng vẫn đi ra ngoài, không đeo khẩu trang. Người dùng Help 114 cũng chụp ảnh gửi thông tin về tổng đài để cơ quan chức năng kịp thời xác minh, xử lý…

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Trung tâm chỉ huy 114 của Cảnh sát PCCC-CNCH có tổng đài liên thông với tổng đài 113, 115. Người dân có thể gọi đến số 114 hoặc thông qua ứng dụng Help 114 (không cần kết nối Internet); gọi video call (có kết nối Internet); chụp hình, quay video hoặc vào chức năng Report phản ánh khi phát hiện các nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, tai nạn, sự cố hay các hành vi vi phạm khác…

Lãnh đạo Phòng PC07 nhấn mạnh, ứng dụng Help 114 là công cụ giúp Cảnh sát PCCC-CNCH có thêm kênh tương tác với người dân, tạo thành thế trận toàn dân PCCC gắn liền với bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời xử lý kịp thời các nguy cơ phát sinh cháy nổ, mang lại sự an toàn, bình yên cho người dân TPHCM.

Cảnh giác cháy nổ khi thực hiện giãn cách

Theo lãnh đạo Phòng PC07, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân ở nhà nấu nướng, sử dụng điện tăng cao… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không đề cao cảnh giác, đảm bảo an toàn PCCC. Từ ngày 1-7 đến nay, khi TPHCM hạn chế người dân ra đường, trên địa bàn xảy ra hơn 22 vụ cháy nổ, trong đó có 10 vụ cháy nhà dân, 4 vụ chập điện. Thiệt hại hoàn toàn 8 căn nhà, cháy sém 4 căn khác cùng nhiều tài sản bị hư hỏng.

Trong đó, có những vụ cháy xảy ra trong khu phong tỏa. Chẳng hạn vụ cháy ngày 11-7 trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), làm cháy hoàn toàn 2 căn nhà và 2 căn liền kề bị cháy sém. Ngày 12-7, trong khu phong tỏa xảy một vụ cháy trên đường Phạm Hùng (quận 8), thiệt hại căn nhà 110m2 và cháy sém 2 căn liền kề. Phòng PC07 đã điều trên 100 cán bộ chiến sĩ và hàng chục xe chữa cháy đến hiện trường kịp thời khống chế đám cháy. Trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo Phòng PC07 cho biết, đơn vị chú trọng công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng xông pha kể cả các khu cách ly, khu phong tỏa để kịp thời chữa cháy, CNCH.

Lãnh đạo Công an quận Tân Phú (TPHCM) cho biết, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, quận Tân Phú triển khai nhắc nhở, tuyên truyền qua hình thức trực tuyến, mạng xã hội (Zalo). Đối với các khu cách ly, điểm phong tỏa, Công an quận Tân Phú phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hiện nay nhiều cửa hàng thuê mặt bằng kinh doanh đã đóng cửa, ngừng hoạt động, lại không có người ở, Công an quận chỉ đạo, giao công an các phường nhắc nhở chủ cơ sở, người thuê trước khi dừng hoạt động phải chú ý ngắt tất cả hệ thống điện, khóa bình gas.

Lãnh đạo Phòng PC07 cho biết, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC với người dân đang thực hiện cách ly tại nhà và nơi cách ly tập trung, khu phong tỏa, đơn vị đã xây dựng nhiều nội dung tuyên truyền đa dạng, dễ hiểu đến người dân như clip hướng dẫn biện pháp an toàn PCCC; thông tin các vụ cháy nổ để người dân đề cao cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn cháy nổ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

“Tất cả cuộc gọi đến tổng đài đều không tốn phí. Khi người dân gọi đến tổng đài 114 để phản ánh, lực lượng trực tổng đài sẽ tiếp nhận và phân loại thông tin tiếp nhận. Đối với những thông tin không liên quan đến cháy nổ, CNCH, tổng đài 114 sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan để tiếp nhận xử lý kịp thời”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng cho biết.

Tin cùng chuyên mục