Thêm nhiều phố đi bộ về đêm - Tại sao không? - Bài 2: Làm theo cụm, có điểm nhấn

Theo thống kê tại một số quốc gia, kinh tế đêm đóng góp khoảng 4%-6% GDP. Vì vậy, nếu TPHCM phát triển tốt loại hình này, doanh thu du lịch có thể tăng trưởng “khủng”. Tuy nhiên, đây cũng là trăn trở của nhiều quận, huyện… 

9 tháng đầu năm 2022, TPHCM đón trên 18 triệu lượt khách nội địa và quốc tế, ước đạt doanh thu trên 76.000 tỷ đồng. Lượng du khách đến TPHCM ngày càng nhiều sau dịch Covid-19, cũng là cơ hội để kinh tế đêm phát triển. Theo thống kê tại một số quốc gia, kinh tế đêm đóng góp khoảng 4%-6% GDP. Vì vậy, nếu TPHCM phát triển tốt loại hình này, doanh thu du lịch có thể tăng trưởng “khủng”. Tuy nhiên, đây cũng là trăn trở của nhiều quận, huyện… 

Thêm nhiều phố đi bộ về đêm - Tại sao không? - Bài 2: Làm theo cụm, có điểm nhấn ảnh 1 Du khách tham quan cảnh đêm TPHCM trên nhà hàng nổi Bến Bạch Đằng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều đề án 

 Chiều xuống, các tuyến phố ẩm thực trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Hồ Thị Kỷ (quận 10)… luôn tấp nập khách vui chơi, ăn uống.

Ông Tạ Duy Thiện, Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội quận Phú Nhuận, phác thảo đề án: tuyến đường Phan Xích Long đã có nhiều cửa hàng, điểm ăn uống của các thương hiệu nổi tiếng, cũng như những món ăn truyền thống, dân gian. Căn cứ vào lợi thế sẵn có, UBND quận Phú Nhuận triển khai phố ẩm thực Phan Xích Long, đồng thời chỉnh trang lại dải phân cách giữa làn đường, làm cổng chào đèn led, làm vỉa hè mới để phục vụ người dân đi bộ. Sau khi đề án Phố ẩm thực đưa vào hoạt động, UBND quận Phú Nhuận tiếp tục mở rộng đề án, tập trung phát triển du lịch “Trên bến, dưới thuyền”. Khu vực xung quanh Nhà thi đấu Rạch Miễu sẽ hình thành tuyến phố đi bộ như đường Nguyễn Công Hoan, các tuyến đường mang tên hoa… Bến thuyền trước Nhà thi đấu Rạch Miễu sẽ mời gọi nhà đầu tư cải tạo để du khách thưởng ngoạn ngắm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau đó lên bờ chơi môn bắn súng hơi trong nhà thi đấu. Khu vực đường Nguyễn Công Hoan sẽ thành sân khấu để tổ chức sự kiện và gian hàng chợ đêm.

Với địa bàn quận 10, một số tuyến phố ẩm thực hoạt động khá nhộn nhịp, nhưng việc mở rộng phố ẩm thực thành phố đi bộ có phần khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận 10, nhìn nhận, trước kia, người dân tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ chủ yếu kinh doanh đồ ăn sáng, nhưng từ khi có phố ẩm thực đã cho thuê mặt bằng vào buổi tối. Một số người khác thấy buôn bán được nên cũng tự mở cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, việc mở rộng tuyến phố này không dễ vì không thể mở rộng chiều dài lẫn chiều ngang, còn khu vực đối diện lại là chợ hoa tươi.

“Về lâu dài, quận 10 muốn triển khai một tuyến phố đi bộ giống phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhưng quả thật rất khó. Một địa điểm khác cũng được chúng tôi quan tâm là Công viên Lê Thị Riêng, nhưng nếu kết hợp kinh doanh cho thuê mặt bằng thì không khéo sẽ bị người dân phản ánh là chiếm dụng công viên. Chưa kể, phía trước Công viên Lê Thị Riêng cũng là ga thuộc tuyến Metro số 2 nên khó thu hút nhà đầu tư”, ông Nguyễn Huy Chiến nói.

Xa hơn, tại địa bàn huyện Bình Chánh, ông Phạm Văn Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin, huyện có dân số đông nhưng qua khảo sát thì người dân chủ yếu chọn trung tâm thương mại Aeon để giải trí vào buổi tối chứ không thể đi xa lên trung tâm thành phố. Như vậy, phố đi bộ có thể mở theo cụm để phục vụ nhiều người dân và mang chủ đề khác biệt so với các tuyến phố khác; đồng thời giúp giãn dân, nâng cao đời sống tinh thần người dân địa phương. Để phục vụ nhu cầu tinh thần, UBND huyện Bình Chánh dự tính triển khai làm đường sách để nâng cao văn hóa đọc cho người dân.

Sẽ hình thành 22 tuyến đường phố đi bộ


Sở Giao thông vận tải TPHCM đã trình UBND TPHCM đề án từ năm 2022 đến năm 2025, sẽ mở thêm phố đi bộ vào các ngày cuối tuần tại 22 tuyến đường ở khu vực trung tâm. Đề án cũng đưa ra lộ trình phát triển phố đi bộ, gồm các nhiệm vụ cụ thể như: cải tạo nút giao thông, tăng cường bãi giữ xe, tổ chức kết nối giao thông công cộng, cung cấp tiện ích, cải thiện cảnh quan, định hướng tổ chức các sự kiện hấp dẫn… Đồng thời, bổ sung nhà vệ sinh, bãi giữ xe xung quanh phố đi bộ.

Quy hoạch bài bản, có điểm nhấn

Nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, cần tập trung vào chất lượng các tuyến phố đi bộ, bởi đó sẽ là nơi thu hút khách trong nước cũng như khách quốc tế đến vui chơi, tham quan. 

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho hay, để khai thác hết lợi thế kinh tế đêm, TPHCM cần thực hiện nhiều việc. Thuận lợi của TPHCM là có khu vực trung tâm với các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Hàm Nghi và Công viên Bến Bạch Đằng, nhưng hiện nay khu vực này chưa kết hợp được với những khu vực khác. Công viên Bến Bạch Đằng đã liên tục được làm mới nhưng vẫn chưa phong phú. “Sau khi tuyến Metro đi vào hoạt động, nên phát triển mạnh các dịch vụ mua sắm, tiện ích kèm theo dọc tuyến đường Lê Lợi để phục vụ du khách… Đặc biệt, theo tôi, kinh tế đêm thì không có giờ giới nghiêm”, TS Trần Du Lịch nêu quan điểm. 

Phố đi bộ tránh “một màu” 

Theo chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly, nhìn ra thế giới, du lịch đêm cực kỳ quan trọng, giúp khách tăng chi tiêu, ngành du lịch tăng thu nhập. Tuy nhiên, muốn làm được việc này thì phải xây dựng tuyến phố thật khéo. Du khách mong muốn được vui chơi, trải nghiệm an toàn và thoải mái. Cần có dự án bài bản để duy trì tuyến phố đi bộ kết hợp du lịch lâu dài, tránh tình trạng “chết yểu”. Khi mở thêm các tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực đêm, nhà đầu tư cũng như cơ quan chuyên trách cần lưu ý tới bản sắc văn hóa, đặc trưng của tuyến phố, tránh “một màu” giống nhau, khiến khách nhàm chán.

Dưới góc nhìn quy hoạch, TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, phố đi bộ tại TPHCM có Nguyễn Huệ, đường Sách TPHCM, Công viên Bến Bạch Đằng. Còn những phố khác có phương tiện đi vào được gọi là phố bán đi bộ. Về mặt quy hoạch, phố đi bộ mà ngăn đường chỉ cho xe chạy song song, không cho cắt ngang cần phải hạn chế, không nên triển khai nhiều. Các địa phương cần tổ chức lại không gian công cộng từng quận, huyện để trở thành nơi thư giãn, tạo thành bản sắc của quận, huyện…

Là doanh nghiệp du lịch được thụ hưởng khá lớn từ loại hình này, ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn, chỉ ra rằng, trước tiên nên phát triển phố đi bộ gắn với du lịch đêm ở các quận trung tâm gồm quận 1, 3, 5, 6, 10 và được các sở, ngành của thành phố đóng góp ý kiến. Song song đó, TPHCM phải có quy hoạch riêng về phát triển kinh tế đêm từ đề xuất của các quận, huyện; vì hiện tại vẫn chưa có quy hoạch cụ thể các tuyến phố đi bộ gắn với kinh tế du lịch đêm, chỉ mới dừng lại ở việc các quận, huyện đề xuất với UBND TPHCM.

“Trình độ phát triển kinh tế đêm là thước đo phát triển du lịch. Cần chấp nhận mình đang có gì trong tay, cố gắng tìm giải pháp tốt nhất về mặt quy hoạch. Chẳng hạn, quận 6 đang muốn hình thành khu phố đêm xung quanh chợ Bình Tây; quận 5 có ý tưởng làm phố đêm khu vực chợ An Đông. Dựa vào yếu tố văn hóa, lịch sử cùng nhiều yếu tố khác để quy hoạch thành khu phố đi bộ đắc địa, phát triển kinh tế đêm trên nền tảng đó”, ông Huỳnh Văn Sơn góp ý. 

Bổ sung ý tưởng, ông Thái Doãn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Thanh, cho rằng, đối với du khách, ban ngày đã đi nhiều điểm tham quan nên buổi tối cần có giải trí. Phố đi bộ, vui chơi đêm là một trong những nơi dễ dàng thu hút nhất, do vậy cần tổ chức thật chất lượng.

Thêm sản phẩm, du khách chi tiêu nhiều hơn

Nhiều chuyên gia du lịch đánh giá, cần phải thay đổi nhận thức về việc phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm để thu hút khách; xây dựng các chương trình vui chơi giải trí gắn với văn hóa, ẩm thực ban đêm để khách đến một lần vẫn muốn quay lại lần nữa. Ban ngày, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi có thể thu được mỗi khách vài triệu đồng; đêm đến, nếu có các hoạt động vui chơi hấp dẫn, khách sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương, thậm chí nhiều hơn. Thống kê của ngành du lịch vào thời điểm trước dịch Covid-19 cho thấy, mặc dù số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, nhưng mức chi tiêu trung bình khá thấp, chỉ khoảng 96 USD/ngày, trong khi khách đến Bangkok (Thái Lan) chi tiêu khoảng 173 USD/ngày.

Tin cùng chuyên mục