Thêm nhiều hình thức cho vay tiêu dùng: Cần thiết, nhưng phải hoàn thiện cơ chế quản lý

Cuối năm, nhu cầu vay chi tiêu gia đình luôn tăng cao, tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều công ty tài chính đã đưa ra các sản phẩm vay dành cho những đối tượng này.
 Nhiều công ty tài chính đưa ra các chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi dịp cuối năm. Ảnh: PHAN LÊ
Nhiều công ty tài chính đưa ra các chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi dịp cuối năm. Ảnh: PHAN LÊ

Tiệm cầm đồ cũng cho vay 

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động hợp tác cùng Chuỗi cầm đồ trực tuyến F88 cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt với hạn mức tối đa 10 triệu đồng/giao dịch. Người có nhu cầu có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh tại TPHCM để vay tiền mà không cần phải mua hàng. Đại diện F88 cho biết, hiện đơn vị chỉ giải ngân qua tài khoản ngân hàng nên khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng mới có thể sử dụng dịch vụ này. Chỉ cần người vay là chủ sở hữu xe máy, có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và giấy đăng ký xe đứng tên chính chủ đứng vay, thì chỉ sau 15 phút sẽ được giải ngân. 

Các công ty tài chính không chỉ triển khai nhiều gói vay cho từng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng mà còn kết hợp với các doanh nghiệp điện máy, bán lẻ… cho khách hàng vay mua trả góp. Cụ thể, Công ty FE Credit đang hợp tác với Công ty Honda Việt Nam triển khai cho vay mua xe máy trả góp với lãi suất 0%.

Anh Minh Hưng (quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa mua xe trả góp theo hình thức này cho biết, chỉ cần đưa chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và mất 20 phút sau khi nhân viên của công ty tài chính làm hồ sơ sẽ được phê duyệt để vay mua chiếc xe Wave Alpha với giá 20 triệu đồng, trả góp trong vòng 12 tháng. “Tôi chỉ phải trả trước khoảng 6 triệu đồng, 12 triệu đồng còn lại sẽ được FE Credit cho vay với lãi suất 0%. Mỗi tháng chỉ góp khoảng 1 triệu đồng nên với mức lương hiện tại, tôi hoàn toàn có thể trả mà không bị gánh nặng tài chính phải trả một lần và cũng không phải gánh thêm lãi suất vay”, anh Hưng cho hay. 

Anh Hữu Chí (quận 5, TPHCM) cũng vừa quyết định mua chiếc xe Honda Air Blade với giá khoảng 44 triệu đồng, trả trước 14 triệu đồng (khoảng 30%), 30 triệu đồng còn lại vay trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả khoảng 3,1 triệu đồng. Tổng cộng tiền lãi 12 tháng khoảng 6,5 triệu đồng cho phần vay 30 triệu đồng. “Tính ra lãi suất hơn 21%/năm là khá cao, nhưng mức góp mỗi tháng phù hợp với mức lương hiện tại, nên tôi quyết định mua. Tôi không phải trả thêm bất cứ loại phí nào để làm hồ sơ vay. Tuy nhiên mỗi tháng phải trả đúng hạn, nếu trả chậm sẽ bị phạt 300.000 đồng/lần”, anh Chí cho biết. Anh Chí cho biết thêm, gia đình anh thường mua đồ gia dụng và các thiết bị điện tử theo hình thức trả góp vì dễ hạch toán chi tiêu và phù hợp với mức thu nhập của 2 vợ chồng trẻ. 

Cần quy định quản lý chặt chẽ

Khi có nhu cầu vay vốn, người dân thường tìm đến các ngân hàng. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ điều kiện để được ngân hàng cho vay tín chấp, vì phải chứng minh được mục đích vay, chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ… Chính vì thế, khi các công ty tài chính đưa ra các khoản vay với thủ tục đơn giản, người dân đã tìm đến.

Tuy nhiên, các khoản vay “ngoài” ngân hàng như trên thường có tổng chi phí rất cao.  Đại diện F88 lý giải, tổng chi phí vay bao gồm lãi suất, phí thẩm định tài sản cầm cố, phí thẩm định điều kiện cho vay mới lên đến 7,5%/tháng, trong đó lãi suất cho vay là 1,1%/tháng (13,2%/năm) và chi phí vay trả theo dư nợ giảm dần. Vị này cũng khẳng định, đa số khách hàng vay của F88 là dưới chuẩn, tức không đủ điều kiện vay ngân hàng và công ty tài chính. Việc cho vay của đơn vị có mức độ rủi ro cao hơn nhiều nên mức phí vay như trên là hợp lý (!?).

Đánh giá về vấn đề trên, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, mọi trường hợp cho vay ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, nếu có mức lãi suất vượt quá 20%/năm, đều bất hợp pháp. Còn các chi phí liên quan hiện chưa có quy định cụ thể. 

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, việc ra đời và tồn tại của các công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho đối tượng khách hàng chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp cận các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, kích thích và thúc đẩy tiêu dùng của dân cư.

Đặc biệt, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp quản lý để bảo đảm hoạt động của các công ty tài chính tuân thủ đúng các quy định pháp luật, mở rộng tín dụng tiêu dùng hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. 

Như vậy, vấn đề hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khác biệt so với hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại về đối tượng khách hàng, lãi suất, sản phẩm cho vay, kênh phân phối và quản trị rủi ro... Cụ thể, quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động tiền gửi của cá nhân nên nguồn vốn hoạt động chủ yếu là vốn điều lệ, huy động trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn. 

Tin cùng chuyên mục