Thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2: Thách thức khả năng phòng ngừa của vaccine

Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, các trang tin của Mỹ đều đưa tin về việc phát hiện thêm 3 loại biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 và cảnh báo các loại biến thể này đang đặt ra thách thức mới đối với vaccine phòng bệnh.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ

Nguy cơ lan rộng 

Ngày 16-1, trang điện tử Newsweek đưa tin các nhà khoa học Mỹ đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên là 20C-US, xuất hiện ban đầu từ khu vực miền Nam nước Mỹ vào khoảng cuối mùa xuân, đầu mùa hè năm 2020. Sau đó các chuyên gia nghiên cứu đã tìm thấy biến thể này xuất hiện ở bang Texas vào tháng 5-2020. Trước đó, Trung tâm Y tế Wexner bang Ohio cũng phát hiện thêm 2 biến thể mới. Một trong 2 biến thể này được tìm thấy trong cơ thể một người dân sinh sống tại đây. 

Các nhà khoa học tại Đại học Southern Illinois (SIU) cũng tuyên bố chủng 20C-US ở Texas nhiều khả năng là chủng virus có nguồn gốc từ Mỹ, đồng thời cũng là chủng phổ biến nhất gây dịch Covid-19 tại Mỹ. Biến thể 20C-US được tìm thấy phổ biến nhất ở khu vực các bang Idaho, Wyoming, Nevada nhưng được dự báo sẽ sớm lan rộng khắp các bang. Sự lây lan nhanh của 20C-US diễn ra đúng vào thời điểm số ca tử vong ở Mỹ có giảm khiến các nhà khoa học cho rằng, chủng 20C-US có thể dễ lây hơn nhưng ít nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu chưa xác định được mức độ phổ biến của các chủng này. Giới chức y tế cho biết, biến thể mới mang một đột biến giống hệt với loại biến thể ở Anh. TS Dan Jones, Phó Chủ tịch Khoa Bệnh học phân tử của SIU và tác giả chính của nghiên cứu trên, trả lời Fox News: “Dòng virus SARS-CoV-2 mới tại Columbus có cấu trúc tương tự những trường hợp trước đây mà chúng tôi đã từng nghiên cứu. Tuy nhiên, 3 đột biến mới thể hiện sự tiến hóa đáng kể của virus. Những đột biến này không đến từ Anh hay Nam Phi”. Biến thể virus tại Columbus cũng được các nhà nghiên cứu đặt tên là COH.20G/501Y. Họ xác định ra chủng mới qua giải trình tự bộ gene của virus SARS-CoV-2.

Vẫn còn hy vọng

Các chuyên gia lo ngại các đột biến virus SARS-CoV-2 được phát hiện cả ở Mỹ lẫn Nam Phi có thể ảnh hưởng hiệu quả của vaccine và phương pháp điều trị hiện có. Riêng biến thể ký hiệu E484K ở Nam Phi được các nhà khoa học mệnh danh là “dị nhân bỏ trốn”, xuất phát từ việc một số nghiên cứu chứng minh nó có thể thoát khỏi kháng thể do vaccine ngừa Covid-19 tạo ra bởi mức độ tinh vi của nó. 

Theo CNN, biến thể E484K đã được tìm thấy trong biến thể virus mới tại Nam Phi. Biến thể này đã lan sang 12 quốc gia trên thế giới. Giáo sư John Bell của Đại học Oxford (Anh) cảnh báo về việc biến thể mới tại Nam Phi đáng lo ngại vì tốc độ và khả năng lây nhiễm. Số người mắc Covid-19 tại Nam Phi tăng gấp 3 lần sau 3 tuần, vượt mốc 1 triệu ca vào đầu tháng.

Để giải đáp những nghi ngại đang có, các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (Seattle, Mỹ) đã phân tích huyết tương của nhiều bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19. Những gì họ phát hiện ra là E484K thách thức khả năng của vaccine, khiến nó trở nên vô dụng trước một số kháng thể. Nhóm hy vọng kết quả sẽ có trong vài tuần tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn còn hy vọng, bởi bản thân vaccine cũng sẽ tạo ra nhiều kháng thể chống lại những biến thể, đột biến của virus. Nhà virus học Paul Bieniasz, Đại học Rockefeller (Mỹ), cho biết, việc biến đổi khiến virus học được cách kháng lại vaccine. Theo thời gian, nó có thể làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng không phải ngay lập tức.

Ngày 16-1, Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc, trong đó khoảng 300.000 nhân viên y tế sẽ được tiêm phòng vào ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới này. Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã công bố kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 với ngân sách 20 tỷ USD trên toàn quốc và sẽ mở rộng quy mô phản ứng của chính phủ liên bang, tập trung vào việc giúp đỡ các cộng đồng cư dân tại vùng nông thôn và cải thiện kênh thông tin liên lạc với các bang.

Tin cùng chuyên mục