Thêm hỗ trợ thiết thực hơn cho thanh niên khởi nghiệp

Ngày 1-10, tại Hà Nội, 550 đại biểu đã tham dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022 do Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. 

Cần sáng kiến khởi nghiệp tầm quốc gia

Với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”, diễn đàn năm nay đặt mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển đất nước, tạo môi trường cho thanh niên Việt Nam tham gia vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế hậu Covid-19. Bên cạnh những nỗ lực tạo sự bứt phá thời gian qua, các đại biểu đã nêu nhiều thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp.

Thêm hỗ trợ thiết thực hơn cho thanh niên khởi nghiệp ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số quy định của pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp chậm được ban hành. Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (Nghị định 38) còn những vướng mắc, chưa được cập nhật. Việt Nam hiện có khoảng 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng hầu hết quy mô nhỏ, tổng vốn khoảng 100 tỷ đồng, nên cần mở rộng, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Tổng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học so với các quốc gia khác còn nhỏ, chỉ chiếm 0,37% GDP; năng lực tiếp thu công nghệ cao cần được nâng cao... 

Từ góc nhìn khách quan, Ngân hàng Thế giới đưa ra những đánh giá về môi trường khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ ở cấp vĩ mô. Trong đó, thách thức đầu tiên liên quan đến tầm nhìn, vai trò của lãnh đạo các cấp. Dù có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng Việt Nam còn thiếu cách tiếp cận nhất quán, tạo một thương hiệu chung về khởi nghiệp. Việt Nam cần những sáng kiến khởi nghiệp tầm quốc gia, cần xây dựng một đạo luật về khởi nghiệp với thông điệp rõ ràng hơn; cần vai trò của Chính phủ để tạo thái độ phục vụ của công chức đối với doanh nhân khởi nghiệp tốt hơn.  

Tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, nhân lực 

Nhiều kiến nghị của đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn các bộ ngành liên quan có sự hỗ trợ thiết thực hơn, từ việc tạo một hành lang pháp lý thông thoáng đến xây dựng cơ chế mở, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhất là trong những năm đầu khởi nghiệp.

Về kiến nghị tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 38 theo hướng tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư, rút vốn từ các quỹ đầu tư nhanh nhưng vẫn đảm bảo cơ chế giám sát. Về vấn đề thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc hợp pháp tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Tấn Dũng cho biết, hiện có gần 100.000 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong vai trò nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao. Bộ LĐTB-XH đang rà soát lại các quy định, nghiên cứu để đề xuất bổ sung sửa đổi Nghị định 152 về quản lý lao động người nước ngoài nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cung cấp visa, giấy phép lao động cho nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành nghiên cứu, tạo thuận lợi hơn trong thủ tục xin giấy phép cho người nước ngoài làm việc trên 1 tháng tại Việt Nam.

Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn tinh thần khởi nghiệp phải được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nhà nước, các bộ ngành phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa các cho bạn trẻ khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu Việt Nam đạt 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục