Thẻ tín dụng và bài toán chi tiêu

Người Việt dùng thẻ tín dụng ngày càng phổ biến. Bên cạnh những tiện ích như hỗ trợ mua sắm không dùng tiền mặt, sử dụng trong các tình huống bất ngờ khi chưa được nhận lương... cũng có người xem thẻ như món “trang sức” ra oai với bạn bè. Chính tâm lý chạy theo đám đông, tìm niềm vui trong mua sắm khiến không ít gia đình trẻ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Nhiều gia đình mua sắm bằng thẻ tín dụng nên khó kiểm soát nguồn chi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhiều gia đình mua sắm bằng thẻ tín dụng nên khó kiểm soát nguồn chi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hào nhoáng nhưng… rỗng túi

Ngày họp lớp, cả nhóm bạn khoa ngữ văn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Nguyễn Thụy Thi, đang làm chuyên viên truyền thông tại quận 3, TPHCM. “Chiếc nhẫn kim cương này hơn 4 ly, còn đôi bông tai này gần 5 ly. Ngót nghét cả trăm triệu đó. Trông nhỏ gọn nhưng đáng đồng tiền”, Thụy Thi tự hào khoe với các bạn.

Nếu dựa vào vẻ bề ngoài “sang chảnh”, với xe tay ga đắt tiền, nước hoa thoang thoảng, thu nhập hơn 1.000 USD của Thi dễ khiến người khác trầm trồ, có người ghen tị. Thế nhưng, chỉ “khổ chủ” mới hiểu được câu chuyện của mình. Chiếc xe của Thi mới trả góp xong tháng 9-2021. Đôi bông tai được chị gái cho mượn. Còn chiếc nhẫn, khoảng 46 triệu đồng mới quẹt thẻ tín dụng mua trả góp đầu tháng 10-2021 nên tới tháng 4-2022 mới xong nợ. “Vài ngày trước, kẹt tiền quá tui mang chiếc nhẫn bán tại cửa hàng đã mua trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM, nhưng không được vì chưa trả góp xong. Nhân viên cửa hàng cho biết, nếu mua vào cũng chỉ bằng 80% giá cũ, tương đương 36,8 triệu đồng. Chưa kể hàng trả góp nên ngay khi mua đã bị tính phí khoảng 700.000 đồng. Tính ra, mua chiếc nhẫn 46,7 triệu, bán ra còn 36,8 triệu, mất gần chục triệu”, Thi buồn bã chia sẻ với bạn thân.

Cùng cảnh ham mua sắm đến “cháy” túi, Lương Thị Ánh Hoa, 27 tuổi, nhân viên Công ty A. (đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú, TPHCM) cho hay, suốt 5 năm đi làm Hoa chỉ để dành được… hơn 1 tháng lương, mặc dù thu nhập của Hoa cũng ở mức khá so với bạn bè (dao động 13-18 triệu đồng/tháng). Tuổi trẻ ham vui nên có bao nhiêu tiền đều dồn vào mua sắm, chưng diện cá nhân và đi du lịch. Chưa kể, từ khi có thẻ tín dụng, tần suất chi vào các khoản mua sắm lặt vặt cũng dày hơn. Cá biệt, có tháng, Hoa quẹt tới 35 triệu đồng, chỉ để mua hàng hiệu, trang sức… Ánh Hoa lo lắng: “Dịch bệnh xảy ra đột ngột, nguồn thu nhập giảm. Vừa rồi người nhà mình bị bệnh, không có tiền mặt nên mình phải quẹt thẻ. Món nợ hiện tại đã trở thành gánh nặng lên tới 60 triệu đồng trên tổng hạn mức tín dụng thẻ 70 triệu đồng”. Với Nguyễn Văn Luân, 29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại quận 1, thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Luân hầu như không quan tâm đến số tiền chi tiêu mỗi tháng vì hai vợ chồng Luân đang ở cùng cha mẹ. Thú vui của Luân và vợ chính là hàng hiệu, ăn uống, trải nghiệm du lịch. “Nói ra thì xấu hổ, chứ thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi tháng như mình, nhưng cũng thỉnh thoảng phải ngửa tay xin tiền cha mẹ”, Luân nói.

Cân nhắc chi tiêu

Thực trạng chi tiêu không biết ngày mai của một bộ phận gia đình trẻ nước ta không khác nhiều so với Hàn Quốc, Trung Quốc… Ở những quốc gia này, việc vung tiền chi tiêu bất chấp những hệ quả khó lường khá phổ biến, mà điển hình là tình trạng nợ tiêu dùng cá nhân trong người trẻ gia tăng, nhiều người mất khả năng chi trả. Theo các chuyên gia kinh tế, hệ quả này do chạy theo tâm lý đám đông, thích thể hiện, khoe vẻ bề ngoài trên mạng xã hội. Mặt khác, nhờ công nghệ kết nối, thông tin cá nhân về nhân thân, thu nhập… đều được các tổ chức tín dụng nắm khá rõ. Do vậy, mỗi người đều có thể sở hữu thẻ tín dụng với hạn mức từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, có khi lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng lạ ở chỗ, thay vì sử dụng thẻ như một công cụ hỗ trợ hữu ích, nhiều người lại dùng nó như một cách để thể hiện mình.

Giám đốc một chi nhánh của Ngân hàng M. (quận Gò Vấp, TPHCM) nhìn nhận, mặt tiện lợi của thẻ ai cũng thấy. Nhưng làm sao để quản lý và sử dụng thẻ một cách hữu dụng nhất thì không phải ai cũng biết. Người dùng nên tìm hiểu đầy đủ các điều khoản sử dụng thẻ (các loại phí, điều khoản thanh toán, phí trễ hạn, chương trình tích điểm…). Thu nhập không cao, đang có nhiều khoản phải chi tiêu thì không nên mở thẻ tín dụng, vì thực tế sử dụng thẻ sẽ khó kiểm soát chi tiêu hơn so với dùng tiền mặt. Không ít khách hàng bội chi, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thẻ, tác động xấu đến điểm tín dụng sau này (liên quan tới hồ sơ tín dụng) khi khách có nhu cầu vay ngân hàng. Đặc biệt, không nên sử dụng nhiều thẻ tín dụng, bởi sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ hàng tháng.

Chị Lương Thị Ánh Hoa chia sẻ việc lập gia đình cách nay 2 tháng và đang trong quá trình sắp xếp lại các khoản chi tiêu cá nhân cũng như gia đình. “Khoản nợ thẻ tín dụng sẽ thanh toán sớm, nhưng rõ ràng, những năm qua mình đã khá phí phạm tiền bạc cho những thú vui không đáng. Dịch bệnh ập tới đã khiến mình thay đổi và suy nghĩ chín chắn hơn. Đối với thẻ tín dụng, quẹt rất dễ nhưng chi trả lại… khó khăn, nhất là trong các trường hợp phát sinh các khoản chi tiêu mới”, Ánh Hoa tâm sự.

Tin cùng chuyên mục